Từ tháng 5/2020, bệnh khảm lá sắn xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình, được phát hiện trên giống KM419 trên địa bàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), từ nguồn giống sắn nguyên liệu do Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Tân Hiếu Hưng (Tân Mỹ) cung cấp.
Năm 2020, tổng diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn là 24,5 ha với tỷ lệ phổ biến 5-10%, cục bộ trên 30% số cây bệnh. Năm 2021, diện tích nhiễm bệnh tăng lên 154,59 ha, trong đó huyện Lạc Sơn 144,59 ha, Yên Thủy 10 ha và rải rác ở huyện Mai Châu.
Nhằm định hướng giúp người dân phòng, chống bệnh khảm lá sắn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã phối hợp cùng các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để làm rõ cơ sở khoa học về nguồn lây bệnh, cung cấp thông tin đa chiều, giúp nông dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh khảm lá sắn.
Đồng thời, hướng dẫn người trồng sắn thực hiện các giải pháp khoanh vùng, tiêu hủy cây bị bệnh; quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn; khuyến cáo không nhân giống tại các vườn cây bị bệnh trồng để cho vụ sau.
Về giải pháp lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh, bà con nông dân cần quan tâm tới giải pháp chuyển đổi diện tích canh tác sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sang lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao, như trồng ngô sinh khối, trồng cây gai xanh AP1.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cam kết cung cấp giống, phân bón; liên kết tiêu thụ cây ngô sinh khối và gai xanh giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Tại diễn đàn, hơn 90 nông dân tiêu biểu đại diện nông dân trong tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ những khó khăn trong quy trình trồng và chăm sóc cây sắn; biểu hiện khi xuất hiện bệnh trên cây sắn; vấn đề sử dụng hom giống tại vườn; các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.