Thông tin kinh tế

Điện Biên thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Năm 2022 dù chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài và giãn cách xã hội do dịch bệnh, song nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Điện Biên; sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật; ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhân dân có chuyển biến tích cực…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ông Trần Thanh Kiên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, cho biết: Nhận thấy vai trò, tầm quan trọng các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn giao thông; đặc biệt chủ động phòng ngừa trong các dịp lễ, Tết truyền thống hay những khi dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh Điện Biên đã chủ động tham mưu ban hành Kế hoạch số 12/KH-ATGT ngày 12/01/2022 của Trưởng ban về triển khai công tác bảo đảm TTATGT năm 2022 và 12 Kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh; 55 công văn và 65 báo cáo về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông.

Cùng với đó, Ban ATGT tỉnh chủ động ban hành kế hoạch chuyên đề cụ thể phù hợp điều kiện thực tiễn, tình hình từng địa bàn theo từng thời điểm: Kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn; tổ chức tuyên truyền tại Lễ hội Hoa ban 2022; tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với các huyện, thị, có hoạt động đường thủy nội địa; trao tặng mũ bảo hiểm và tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và cấp phát mũ bảo hiểm trên địa bàn huyện Điện Biên, Mường Ảng.

Tại các buổi tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia ở các xã: Hua Thanh, Noong Luống, Pom Lót, Sam Mứn, Na Tông (huyện Điện Biên) và hai xã Mường Lạn, Mường Đăng (huyện Mường Ảng), đã thu hút hơn 8.000 người tham gia; 2.310 người được phát mũ bảo hiểm...

Điện Biên thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông ảnh 1

Công ty cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên khẩn trương thi công công trình xử lý điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại Km155+100/QL12, tỉnh Điện Biên.

Bám sát các nội dung chỉ đạo xuyên suốt từ UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của nhân dân về TTATGT.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp với sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của các đơn vị thành viên Ban ATGT tỉnh Điện Biên, công tác bảo đảm an toàn giao thông của Điện Biên trong năm 2022 đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong năm, số vụ tai nạn giao thông giảm rõ rệt (toàn tỉnh xảy ra 25 vụ giảm 5 vụ); số người bị thương giảm 12 người (41,4%). Đặc biệt trong năm Điện Biên không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào, trong khi địa phương có rất nhiều hệ thống sông suối, phương tiện giao thông đường thủy của người dân cũng rất nhiều.

Nhờ kiểm soát tốt tình trạng vi phạm an toàn giao thông, hạn chế số vụ tai nạn và tổn thất do tai nạn giao thông, kết quả công tác bảo đảm TTATGT đã góp phần quan trọng giữ gìn ổn định địa bàn, nâng cao ý thức tuân thủ quy định giao thông trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

Đặt mục tiêu kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2022; không để xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trong các dịp kỷ niệm, các ngày lễ, Tết, Ban ATGT tỉnh Điện Biên đã xác định, năm 2023 bám sát chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” làm trung tâm hành động. Theo đó, Ban ATGT tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp:

Thứ nhất: Thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện bảo đảm TTATGT kịp thời, nhanh chóng, chính xác có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Thứ hai: Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT tại các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố. Trong việc kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Có phương án tổ chức giao thông an toàn khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường, vỉa hè.

Điện Biên thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông ảnh 2

Cảnh sát giao thông Điện Biên tuyên truyền đến các chủ xe chấp hành nghiêm quy định thiết kế an toàn phương tiện.

Thứ ba: Tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động trên các tuyến quốc lộ, kiểm soát theo chuyên đề nắm chắc tình hình TTATGT trên tuyến, tập trung tuần tra kiểm soát vào giờ cao điểm, ngoài giờ hành chính. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm TTATGT, tại những tuyến đường nội thị. Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trên tuyến đường thủy nội địa, bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa TNGT đường thủy xảy ra.

Thứ tư: Các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện chủ đề Năm ATGT 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện trong năm 2023 cần đổi mới hơn so với năm 2022. Trong quá trình thực hiện cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giao thông vận tải với Công an tỉnh và một số ngành thành viên.

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn. Trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng công an, giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng Kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng vào những tháng nhất định trong năm về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông.

Thứ năm: Tăng cường tuần tra, kiểm soát, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tối đa các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải khách. Trong quá trình tuần tra thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng dư luận xã hội, kịp thời nhắc nhở nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có hoạt động tín ngưỡng thường xuyên tụ tập đông người.