Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 419 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 413 nghìn ha. Diện tích rừng lớn, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trong khi dân cư tại địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào rừng với phương thức làm nương rẫy… vậy nên dù rất chủ động, song công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các lực lượng chức năng rất khó khăn, vất vả.
Đặc biệt, cao điểm mùa khô năm nay, hiện tượng nắng nóng cực đoan, kéo dài đã và đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao tại hầu hết địa phương trong tỉnh. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để chủ động thông tin đến các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh cấp dự báo cháy rừng chi tiết từng ngày. Cụ thể, từ ngày 19 đến hết ngày 25/2, tại tiểu vùng thung lũng Điện Biên (gồm các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ) và khu vực Mường Lay (gồm các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, thị xã Mường Lay) được cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp IV (là cấp rất nguy hiểm); riêng khu vực Tuần Giáo (gồm các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng) được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kì nguy hiểm). Chi cục đã chỉ đạo các hạt, đội kiểm lâm và các chủ rừng phải chủ động tham mưu triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; đồng thời phải duy trì hệ thống đường dây nóng thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ cháy ngay khi mới bắt đầu.
Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, thông tin cảnh báo cháy từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng chi tiết tại từng lô, từng khoảnh; đồng thời giao nhiệm vụ đến từng nông trường, từng tổ, đội và từng cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy vườn cây. Ông Nguyễn Công Tám, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Ngoài thảm thực bì thì mùa khô hằng năm (từ tháng 12 đến tháng 3), đây cũng là thời điểm đồng bào tại địa phương làm đất cho vụ gieo trồng mới, do vậy các vườn cây cao su cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy và bị cháy lan do người dân làm nương trong các khoảnh liền kề.
Công nhân Nông trường cao su Điện Biên thu dọn thực bì quanh vườn cây để phòng chống cháy rừng. |
Để chủ động bảo vệ, phòng chống cháy cho vườn cây, công ty đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao từng nông trường, tổ đội chịu trách nhiệm bảo vệ vườn cây. Những ngày này, khi nhận thông tin cảnh báo nguy cơ cháy từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì 100% thành viên thuộc lực lượng bảo vệ, công nhân, cán bộ văn phòng công ty với tổng số hơn 800 người thường xuyên tuần tra, túc trực và thu dọn thực bì ở các điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Cán bộ, lãnh đạo các nông trường: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo về từng bản, điểm bản có người dân làm nương giáp vườn cây để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành đúng quy định phát nương, bảo vệ rừng. Không những thế, các nông trường còn cử công nhân về từng khoảnh nương giúp người dân phát nương, làm đường băng, đồng thời trực 24/24 giờ khi người dân đốt thực bị dọn đất trên nương. “Nhiều ngày liền anh em công nhân các đội Hua Thanh, Mường Pồn đều ăn, ngủ tại vườn cây và các khoảnh nương liền kề trực phòng chống cháy, nhưng vẫn không yên tâm. Bởi nắng kéo dài, nguy cơ cháy càng nguy hiểm hơn”, ông Văn Anh, Giám đốc Nông trường cao su Điện Biên cho biết.
Tại huyện Tủa Chùa, việc triển khai các phương án phòng chống cháy rừng được Ủy ban nhân dân huyện thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh; các lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự tại huyện đã phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ chủ động các biện pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phòng chống cháy rừng cho nhân dân cho nên ngày 19/2 vừa qua, khi đi làm nương về một người dân phát hiện đám cháy tại tiểu khu 569, khoảnh 10 (thuộc địa phận bản Sín Sủ 1, xã Xá Nhè) đã thông tin đến kiểm lâm địa bàn. Ngay lập tức, kiểm lâm cùng chính quyền xã đã huy động 37 người dân bản tham gia chữa cháy. Rất nhanh sau đó, đám cháy được dập tắt hoàn toàn với diện tích 2.800m2 cháy lướt dưới tán, cây bụi thảm tươi, không ảnh hưởng đến rừng.
Ngay đầu mùa khô năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh phải chủ động kế hoạch tuyên truyền các quy định pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; chủ động phối hợp, hỗ trợ nhân dân, chính quyền các địa phương trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội phải chủ động tuyên truyền, kêu gọi đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân góp sức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và ngăn chặn hành vi hủy hoại rừng.
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: Ngoài trách nhiệm chủ rừng thì công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng chỉ thật sự đạt hiệu quả khi có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là cấp ủy, chính quyền cấp xã. Do vậy tới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ■