Là một trong số hàng nghìn người được tham gia đào tạo nghề ngắn hạn về chăm sóc cây trồng do huyện Nậm Pồ tổ chức, chị Lò Thị Phương, ở bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã có việc làm ổn định tại Si Pa Phìn.
Vẫn làm các việc trên vườn đồi nhưng khi có kiến thức về cây trồng, bệnh dịch theo mùa với từng loại cây thì chị Phương đã chủ động cách phòng, trị bệnh cho cây. Nhờ đó, chị Phương được Hợp tác xã rau Si Pa Phìn đánh giá cao về trình độ, được trả công tương xứng với đóng góp.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lò Thị Phương cho biết: “Trước đây trồng cây rau, nuôi con gà thì tôi chỉ làm theo kinh nghiệm được bố mẹ, ông bà dạy, vì thế rau trồng không năng suất, con gà có biểu hiện ốm tôi không biết để chữa và cũng không có khái niệm tiêm phòng bệnh cho gà, vịt. Từ năm 2022 được tham gia đào tạo nghề ngắn hạn 3 tháng tại xã, tôi đã hiểu được quy trình phát triển của cây, con vật nuôi cũng giống với con người vì cũng chịu ảnh hưởng thời tiết, khí hậu thay đổi. Cho nên, trước khi có thay đổi thì phải bổ sung dưỡng chất cho cây, dinh dưỡng cho vật nuôi để tăng sức kháng bệnh… Hiểu được như thế, tôi làm vườn, chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”.
Cũng trên địa bàn xã Si Pa Phìn, thời gian qua, có hàng trăm người là đồng bào các dân tộc: Thái, H’Mông, Dao… được đào tạo nghề ngắn hạn tại xã. Đặc biệt, trước khi mở các lớp đào tạo nghề tại địa phương, cán bộ huyện, xã đều tổ chức khảo sát nhu cầu người học trên cơ sở đó mới tổ chức các lớp đào tạo theo nghề, nhóm nghề, do đó sau khi học nghề bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tham gia các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi đã và đang được thực hiện tại địa phương.
Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ cho biết: Được đào tạo nghề phù hợp nhu cầu, trình độ và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của huyện, cho nên ngay khi học nghề xong bà con các dân tộc đã rất nhiệt tình tham gia dự án liên kết trồng cây chanh leo. Hiện tại, Si Pa Phìn đã có 30ha rau sạch; 37 gia đình tham gia trồng chanh leo trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng diện tích 40,98ha, tại các bản: Van Hồ, Pú Đao, Sân Bay, Nậm Chim I, Chế Phù, Long Dạo, Tân Lập… Các dự án sản xuất nông nghiệp tại Si Pa Phìn đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động; đồng thời mở hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tại Mường Ảng, thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện xác định việc tổ chức các lớp học là phục vụ người học, bảo đảm đào tạo gắn với việc làm để khi kết thúc mỗi khóa học có ít nhất 80% người học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề đã học. Do vậy, trước khi tổ chức các lớp học, Trung tâm cử cán bộ về từng xã phát phiếu khảo sát nhu cầu, căn cứ số người đăng ký, nguyện vọng, Trung tâm tiến hành tổ chức đào tạo theo từng xã, từng cụm xã. Việc tổ chức lớp đào tạo nghề tại xã, cụm xã để tạo thuận lợi cho người học, để người học không phải đi lại xa, được ăn ở tại nhà nên họ yên tâm theo học.
Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà-phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi (cụ thể là con lợn), thu hút 324 người lao động tham gia. Trong đó, có 9 lớp với tổng số 162 người lao động học trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà-phê trong thời gian 3 tháng; 9 lớp với 162 người học kỹ thuật chăm sóc vật nuôi (con lợn) cũng học, thực hành trong thời gian 3 tháng.
Anh Lò Văn Quân ở xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng cho biết: “Được tham gia đào tạo nghề trồng, chăm sóc cà-phê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, tôi đã hiểu được đặc tính sinh vật học, chu kỳ sinh trưởng, phát triển trong từng giai đoạn của cây và tôi còn biết cách nhận biết các loại sâu bệnh hại cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, từng mùa theo năm. Sau khi học nghề, tôi đã có thêm kiến thức để thật sự yên tâm khi quyết định vay thêm vốn mở rộng diện tích cà-phê của gia đình”.
Thông tin thêm về việc đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương, ông Vũ Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác đào tạo nghề cho người lao động luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã tuyển mới, đào tạo nghề cho 4.427 người; 3.650 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chương trình, đề án. Ngoài kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thì nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho vay hàng chục tỷ đồng tạo việc làm, mở rộng việc làm cho 1.501 người dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, trong thời gian tới, Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của học nghề; chú trọng khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại Điện Biên ngày càng hiệu quả…