Đồng chí Nguyễn Văn Chu (sinh năm 1942), ấp Bà Thoại, xã Tân Lân, huyện Cần Giuộc, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, người trực tiếp cầm súng tham gia cuộc TTC vào Sài Gòn - Chợ Lớn kể: 12 giờ trưa 30 Tết Mậu Thân (tức 31-1-1968), Chỉ huy trưởng Phân khu 3 (bao gồm các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ) được kết nối với các quận, huyện phía nam Sài Gòn (Nhà Bè, quận 4, quận 7, quận 8, quận 1, quận 2), Huỳnh Công Thân (Tư Thân) phát lệnh vượt qua sông Quán Cơm để sang địa phận quận 7, TP Hồ Chí Minh, anh em mới biết là đánh vào Sài Gòn. Từng đoàn quân với đầy đủ súng lớn, súng nhỏ nối tiếp nhau đi trên những bờ ruộng dài hàng cây số. Thời điểm này đang là mùa lúa, cho nên bộ đội không được xuống ruộng, trong khi người dân đứng nhìn bộ đội di chuyển mà lo sợ bọn lính đồn kéo pháo bắn, hoặc máy bay bỏ bom. Khi đoàn bộ đội đi qua, mọi người nói với nhau: Trong điều kiện chiến đấu khẩn trương như vậy, bộ đội ta vẫn giữ nghiêm chính sách dân vận bảo vệ tài sản, ruộng vườn của nhân dân.
Khi tiến vào quận 7 thì gặp hai bốt Kiến Quang và Nhị Quang chắn đường tiến, Ban Chỉ huy quyết định đánh để mở đường. Chỉ mất vài quả đạn B40, ta đã diệt xong hai bốt, nhưng khi vượt sông Quán Cơm sang quận 7 thì gặp bốt cảnh sát Kiều Công Mười án giữ ngay trên đường tiến quân. Trận đánh diễn ra giữa ban ngày và kéo dài suốt một ngày, cho đến khi ta được tăng cường súng ĐKZ từ phía sau mới diệt được mục tiêu.
Ngày đầu tiến công vào Sài Gòn, đã có quá nhiều khó khăn, vì thế lực lượng Phân khu 3 và các đơn vị khác chưa vào được nội thành. Sau khi diệt được bốt Kiều Công Mười, lực lượng Phân khu 3 vào được quận 7, chiếm các khu vực: phường Bến Đa, Thái Hà, cầu số 2, số 3, chợ Kinh... Bộ đội Phân khu 3 được nhân dân cung cấp đầy đủ lương thực, dẫn đường, cung cấp tin tức về địch...
Đồng chí Chu kể tiếp: Kết thúc cuộc TTC-ND đợt 1, lực lượng Phân khu 3 giành được nhiều thắng lợi, giữ nhiệm vụ bàn đạp vùng ven để chờ lệnh cuộc TTC-ND đợt 2. Vào thời điểm đó, các tiểu đoàn Phân khu 3 hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân và nguồn hậu cần ở hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Trong những ngày gian khổ ác liệt ấy, các đội dân công hoạt động ngày đêm để đưa hàng trăm thương binh lên vùng biên giới và đưa vũ khí từ biên giới về vùng ven.
Ngày 5-5-1968, cuộc TTC-ND vào Sài Gòn đợt 2 được phát lệnh chiến đấu, Phân khu 3 chiến đấu ở mặt trận cầu Chữ Y, là mũi tiến công chủ lực. Đêm 5-5, lực lượng Phân khu 3 hành quân tiến vào Sài Gòn bằng xuồng ba lá theo đường rạch Cây Khô, đến cách cầu Chữ Y khoảng 2 km về phía nam thì lên bờ triển khai đội hình chiến đấu. Hửng sáng 6-5, Trung đội đặc công đi đầu và Đại đội 2 nổ súng đánh chiếm cầu Chữ Y, diệt nhiều quân địch và bố trí ngăn không cho địch từ bên kia cầu tiến sang. Bước sang ngày thứ ba của cuộc TTC-ND đợt 2, tại khu vực cầu Chữ Y, quân đội Mỹ sử dụng hỏa lực, đánh cả bom xăng đốt khu nhà lá, dùng bom đánh sập hầu hết các ngôi nhà cao tầng. Sau khi “băm nát” mặt trận bằng hỏa lực, chúng dàn quân đánh bốn phía. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Chu thuộc Đại đội đặc công là người đầu tiên trong Phân khu 3 bắn cháy xe tăng ngay chốt chặn cầu Chữ Y. Khi đó, chúng dồn lực lượng, bắn hỏa lực, ép đánh quyết liệt từ hai cánh và đến ngày thứ bảy thì khép dần vòng vây. Trước tình thế đó, lực lượng trinh sát của ta đã tìm được khoảng trống giữa hai cánh quân của địch liền rút thật nhanh để bảo toàn lực lượng, trở về nơi đóng quân của Phân khu 3.
Tại mặt trận cầu Chữ Y, lực lượng Phân khu 3 đã chiến đấu với một lữ đoàn Mỹ và giữ vững mặt trận trong bảy ngày, đó là một kỳ tích, một điểm son trong truyền thống chiến đấu của quân và dân Long An. Mặt trận cầu Chữ Y đã được Bộ Chỉ huy miền nam đánh giá rất cao về tinh thần chiến đấu dũng cảm, về quy mô to lớn cùng những tác động mạnh về quân sự, chính trị trong cuộc TTC-ND vào Sài Gòn đợt 2 tại Hội nghị tổng kết toàn miền nam, tháng 9-1968. Mặt trận cầu Chữ Y đã được ghi vào sử sách của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nam Bộ, của quân và dân Long An. Mặt trận cầu Chữ Y đã đánh dấu sự kết thúc nhiệm vụ tiến công vào Sài Gòn của Phân khu 3, để bước sang thời kỳ bám trụ vùng ven, tiếp tục chiến đấu. Những kinh nghiệm từ cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 là bài học sâu sắc, có ý nghĩa như một cuộc tổng diễn tập để bảy năm sau đó, khi thời cơ chín muồi, quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Để xứng đáng với thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Long An suốt nhiều năm qua luôn nỗ lực, tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt mọi khó khăn, thử thách, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của vùng và cả nước.