Điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài

Năm 2022, thành phố Hà Nội thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện phụ tùng xe máy tại Nhà máy của Công ty Yamaha Motor Việt Nam ở huyện Sóc Sơn. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Sản xuất linh kiện phụ tùng xe máy tại Nhà máy của Công ty Yamaha Motor Việt Nam ở huyện Sóc Sơn. (Ảnh ĐĂNG DUY)

Cuối tháng 12/2022, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (thuộc Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc) đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Như vậy, chỉ sau hơn hai năm, dự án này đã hoàn thành với quy mô đầu tư 220 triệu USD, tổng diện tích xây dựng hơn 11.600m2.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn đánh giá, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội có quy mô tầm cỡ khu vực và thế giới, khi đi vào hoạt động không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, mới nhất như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… Qua đó tham gia đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút FDI của Hà Nội theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Không chỉ Tập đoàn Samsung, Hà Nội cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tới tìm kiếm cơ hội hợp tác. Từ tháng 1 đến tháng 10/2022, thành phố đã thu hút khoảng 116,2 triệu USD vốn FDI từ Hàn Quốc. Trong đó có 110 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,7 triệu USD; 66 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 45,3 triệu USD và 106 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn góp đạt 37,2 triệu USD.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, sau hơn hai năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, trong năm 2022, thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và ở nước ngoài.

Trong đó, đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)... Qua đó, tăng cường kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với thành phố. Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực như xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Mới đây, đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền làm trưởng đoàn cũng đã chính thức sang Mỹ và Bỉ nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiếp cận các đối tác truyền thống và mở rộng các đối tác quốc tế mới sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Đoàn đã gặp gỡ, làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn tại Mỹ thuộc các lĩnh vực môi trường và xử lý rác thải, tài chính-ngân hàng, công nghệ số và thông tin điện tử, xây dựng và bất động sản, các nhà hàng...

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,692 tỷ USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, có 365 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%. Đây là nguồn lực bổ sung mới, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú cho biết, trong năm 2022, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng. Qua đó, các doanh nghiệp đầu tư tại Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Thành phố cũng tích cực triển khai các chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Qua đó, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến đầu tư, hợp tác.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 đến 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt từ 20 đến 30 tỷ USD. Thành phố tiếp tục tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…