Điểm sáng về chuyển đổi số ở Hải Dương

Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh…, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân ở xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc luôn bảo đảm đúng thời gian và đúng quy định.
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân ở xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc luôn bảo đảm đúng thời gian và đúng quy định.

Vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương công bố kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp sở, cấp huyện. Theo đó, huyện Gia Lộc là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng về chuyển đổi số cấp huyện năm 2023.

Đồng chí Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc cho rằng: Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, điều quan trọng là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức số cho cán bộ, nhân dân và hoạt động của tổ công nghệ cộng đồng. Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trên cổng thông tin điện tử huyện và các trang thông tin ngành, đoàn thể, địa phương; tập trung tuyên truyền trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đoàn thể để nâng cao nhận thức cho mọi người về chiến lược phát triển “Tăng trưởng xanh-Chuyển đổi số” của tỉnh, và những lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từng bước hoàn thiện hạ tầng số cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ tháng 3/2022, huyện Gia Lộc chỉ đạo quyết liệt, đi đầu tỉnh về thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, chủ động triển khai phần mềm họp thông minh tới các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục duy trì tốt các điều kiện tổ chức họp trực tuyến từ cấp huyện đến các xã, thị trấn; mở rộng hệ thống kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan đảng với chính quyền và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện qua trục liên thông văn bản của tỉnh và quốc gia... Huyện thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp; triển khai hệ thống điều hành thông minh; nâng cấp các tính năng của cổng thông tin điện tử huyện và các xã; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Phạm Đăng Xuyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thống Nhất cho biết: Trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của xã, tới nay 100% cán bộ, công chức của xã được trang bị máy tính và có kết nối internet băng thông rộng. Các thiết bị công nghệ thông tin như máy in, scan, photocopy được trang bị đầy đủ, bảo đảm phục vụ nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã và nhà văn hóa các thôn có kết nối internet; tỷ lệ văn bản, tài liệu trao đổi giữa cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị trên môi trường mạng ở xã đạt 100%. Đội ngũ cán bộ sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành về: Quản lý người có công, quản lý cán bộ, công chức, quản lý văn bản, quản lý dữ liệu dân cư, quản lý hộ tịch; quản lý tài chính, quản lý thông tin về y tế, về giáo dục; quản lý thông tin ngân sách và kho bạc; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính... Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt hơn 50%.

Thôn Khay (xã Thống Nhất) đã lắp đặt hệ thống ánh sáng đường làng bằng hệ thống bóng LED; hệ thống camera giám sát an ninh tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính tích hợp với hệ thống quản lý an ninh của xã; đang lên phương án lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh. Hơn 80% số hộ dân thôn Khay tham gia nhóm Zalo về an ninh trật tự; hơn 80% số hộ gia đình lắp đặt internet băng thông rộng; các hộ sản xuất, kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm thương mại điện tử vào giao dịch hàng hóa.

Huyện Gia Lộc đã tích cực triển khai nền tảng chuyển đổi số hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện Gia Lộc chủ động áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Huyện cũng tăng cường và đẩy mạnh quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn, bảo đảm thực hiện chính sách thuế đúng quy định pháp luật; hướng dẫn nhân dân thực hiện khai thác và xử lý thông tin trên Bản đồ số hộ kinh doanh (trên ứng dụng eTax Mobile) để người dân, doanh nghiệp, có thể tra cứu, phản hồi thông tin trên thiết bị thông minh cầm tay mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp trong huyện đã ứng dụng tốt công nghệ số, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn ygốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Một trong những điểm sáng của huyện Gia Lộc trong quá trình thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn. Bắt đầu mô hình công nghiệp công nghệ cao từ năm 2017 với quy mô ban đầu chỉ 5.000 m2, đến nay, hợp tác xã đã xây dựng được 15,5 ha nhà màng, nhà lưới. Mỗi năm hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1,2 tỷ đồng/ha.

Gia Lộc cũng đã thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách xã hội không dùng tiền mặt. Đến đầu tháng 4/2024, đã có 7.236/7.607 người hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn được chi trả qua tài khoản, đạt tỷ lệ 95,1%. Huyện phấn đấu đến ngày 7/5/2024, tất cả các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và tất cả các đối tượng hưởng lương hưu đều được chi trả tiền qua tài khoản. Các trường học trong huyện đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hồ sơ giáo viên, học sinh, học bạ đều được số hóa.

Huyện đã ra mắt bản đồ số các di tích lịch sử cấp quốc gia tại 4 di tích gồm: Đền Quát ở thôn Hạ Bì; nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện ở thôn Lương Xá (xã Yết Kiêu); Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị (xã Gia Khánh); Khu di tích lịch sử đền Đươi (xã Thống Nhất). Công trình đem đến trải nghiệm chân thực cho du khách thông qua chiếc điện thoại thông minh với hình ảnh và lời thuyết minh cụ thể, sinh động.

Năm 2024, Gia Lộc tiếp tục tập trung xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững.