Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh giải ngân đạt khoảng 70% số vốn đầu tư công được giao. So với mục tiêu đặt ra là 95%, tỷ lệ này vẫn còn một khoảng cách khá xa.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường Tỉnh lộ 7 tại huyện Củ Chi nay đã rộng rãi, khang trang hơn rất nhiều.
Tuyến đường Tỉnh lộ 7 tại huyện Củ Chi nay đã rộng rãi, khang trang hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là trong bức tranh chung chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch vẫn có một số địa phương vận dụng nhiều cách làm sáng tạo để trở thành “điểm sáng” với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất cao (95% đến hơn 99%).

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa quận Gò Vấp mặc dù có đến 425 hộ bị ảnh hưởng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhưng vẫn giải ngân đạt tỷ lệ 100% số vốn được giao trong năm 2023 với hơn 1.546 tỷ đồng. Trong năm qua, quận Gò Vấp đã có hai đợt bàn giao mặt bằng để Ban quản lý dự án các công trình giao thông khẩn trương triển khai thi công công trình.

Hơn 56% các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thuộc Phường 5, quận Gò Vấp. Địa phương này xác định việc bàn giao mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần tập trung mọi nguồn lực triển khai. Gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; hỗ trợ giải quyết từng trường hợp cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; ưu tiên giải quyết hồ sơ, giấy phép xây dựng cho các hộ gia đình đồng thuận bàn giao mặt bằng… là những hướng mà Ủy ban nhân dân Phường 5, quận Gò Vấp triển khai từ sớm bên cạnh việc cam kết bảo đảm hoàn thành dự án kịp tiến độ đã khiến các hộ dân an tâm.

Nhờ cách triển khai “nói đi đôi với làm”, địa phương sớm thuyết phục được các hộ dân bàn giao mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, đoạn cuối tuyến đường Dương Quảng Hàm đang thi công với kế hoạch dự kiến sẽ đưa công trình sử dụng vào năm 2025.

Năm 2023, quận Gò Vấp được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư là 1.640,715 tỷ đồng, chia theo hai nhóm dự án. Trong đó, nhóm dự án xây lắp do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Gò Vấp làm chủ đầu tư được giao 91,884 tỷ đồng với 50 dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới. Nhóm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được giao 1.548,831 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa quận Gò Vấp.

Tính đến cuối năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của quận rất khả quan với tỷ lệ dao động từ hơn 90% đến gần 100%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết: Việc tập trung chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã đem lại kết quả khả quan.

Quận yêu cầu các phường bám sát từng nguyện vọng cụ thể của người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, kiến nghị hướng giải quyết sao cho hiệu quả, thấu tình đạt lý. Những thông tin liên quan đến căn cứ pháp lý, quá trình chuẩn bị thực hiện dự án được chia sẻ công khai để người dân nắm rõ, hợp tác. Không chỉ bền bỉ vận động, gỡ khó, hỗ trợ tối đa cho từng trường hợp, quận Gò Vấp còn tiến hành rút ngắn quy trình, thời gian, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa cho người dân từ 15 ngày xuống còn bảy ngày để đẩy mạnh công tác bàn giao mặt bằng.

Huyện Củ Chi cũng được đánh giá cao khi vượt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đăng ký với thành phố. Tổng số vốn đầu tư công huyện được giao là 3.338,159 tỷ đồng. Trong đó, sáu dự án do các ban của thành phố làm chủ đầu tư là 2.258,582 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện được giao làm chủ đầu tư 208 dự án với số vốn 1.079,577 tỷ đồng. Không đợi đến cuối năm, từ giữa quý IV, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này đã vượt kế hoạch đề ra. Cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng; thế nhưng, huyện Củ Chi đã sáng tạo trong cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc Ban chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn, huyện Củ Chi còn thành lập hai tổ công tác tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các hộ dân gặp phải, bảo đảm tiến độ thi công các dự án theo kế hoạch. “Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, khó nhất vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Huyện nhận thấy cái khó ở đâu đã tập trung chỉ đạo cho Ban bồi thường và Ủy ban nhân dân các xã chú trọng việc kiểm kê, đo đạc, xem xét nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của từng hộ dân ngay từ đầu để kịp thời chi trả tiền bồi thường cho người dân khi tiến hành áp giá. Huyện còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng các phần mềm áp giá và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã đẩy nhanh việc xác nhận quá trình sử dụng đất của người dân”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho hay.

Ngày tuyến Tỉnh lộ 7 hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp sớm hơn kế hoạch đề ra, người dân phấn khởi vô cùng. Đường mới rộng 11m (gần gấp đôi đường cũ) cho nên xe cộ lưu thông dễ dàng. Dọc hai bên đường, người dân tự nguyện trồng thêm hoa kiểng làm đẹp không gian chung. Trong số năm địa phương nằm trên tuyến đường huyết mạch này của huyện Củ Chi, xã An Nhơn Tây đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, góp phần giúp dự án hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Nhơn Tây, nhờ sự đồng lòng của 80 hộ dân trong việc khẩn trương giải phóng mặt bằng mà con đường khang trang, hiện đại sớm được “hiện thực hóa”. Không đợi đến khi hoàn tất công tác bồi thường, ngay từ sớm, địa phương này đã gõ cửa từng hộ dân tuyên truyền, thuyết phục để người dân thấy được tầm quan trọng của tuyến đường với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Dân hiểu, dân thương cho nên đồng thuận giao mặt bằng thi công dự án trước khi địa phương tiến hành các thủ tục thực hiện bồi thường, tái định cư. Quy trình này, giúp xã An Nhơn Tây rút ngắn được rất nhiều thời gian triển khai dự án, người dân sớm được hưởng thụ các lợi thế do tuyến đường mới mang lại.