Từ khi triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng đã có nhiều đổi thay đáng phấn khởi. Ðường thôn được đổ bê-tông sạch đẹp, rộng rãi. Toàn bộ nhà dân đều được đánh số. Ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, các tổ chức, đoàn thể ở Xuân Lập cùng đảm nhận các nội dung, phần việc, vận động hội viên thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, nhất là tiêu chí vệ sinh môi trường và giảm nghèo. Nhiều hộ dân được Ban công tác mặt trận trợ giúp làm mới, sửa chữa nhà vệ sinh; di chuyển chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nơi ở. Hội Cựu chiến binh đảm nhận thi công, chỉnh trang đường thôn; Ðoàn viên, thanh niên thường xuyên làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Hội Phụ nữ hướng dẫn hội viên xây dựng gia đình "năm không, ba sạch"; Hội Nông dân đồng hành cùng nông hộ cải tạo vườn tạp, trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Lập Nguyễn Thế Huy cho biết: Ngoài thâm canh lúa, màu, cây mía đường, nhân cấy mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, xây dựng "vườn mẫu"; thôn còn quy hoạch, nâng cấp chợ hiện có, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, giao lưu, trao đổi hàng hóa. Sáu doanh nghiệp sở hữu hơn 20 phương tiện cơ giới chuyên thi công xây lắp, kinh doanh vận tải đã cùng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Sau một năm chung sức xây dựng NTM kiểu mẫu, Xuân Lập huy động gần 4,5 tỷ đồng phát triển kinh tế, kiến thiết nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp tới 57%. Nhờ phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM, thu nhập bình quân ở thôn Xuân Lập đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Với xuất phát điểm thấp, việc Ngọc Phụng trở thành xã đầu tiên của huyện Thường Xuân hoàn thành việc xây dựng NTM năm 2015 đã tạo nên "cú huých" bất ngờ. Giữ vững, nâng cao tiêu chí NTM, cấp ủy, chính quyền xã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, nhân lực, phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình sử dụng máy cấy lúa không động cơ, cải tạo vườn tạp thành vườn cây hàng hóa, trồng ớt xuất khẩu, trồng rau an toàn trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy người dân học tập làm theo. Anh Lê Xuân Sơn từng có tám năm lao động, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng, cho nên tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khi trở về quê hương, anh Sơn đầu tư 300 triệu đồng làm nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng dưa kim hoàng hậu trên hai sào đất. Năm 2018, anh thu hoạch được chín tấn dưa, đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: Trồng dưa trong nhà kính phòng ngừa được sâu bệnh, ít chịu tác động của thời tiết cực đoan, khí hậu khắc nghiệt, nhất là điều chỉnh được chu kỳ sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, bảo đảm năng suất, giá trị nông sản. Sau hai năm, gia đình anh đã thu hồi vốn, có tiền xây dựng nhà kiên cố và chăm lo cho các con ăn học.
Ðến nay, xã Ngọc Phụng có hơn mười hộ trồng rau an toàn trong 2.400 m2 nhà lưới, 1.500 m2 nhà kính; 24 hộ xây dựng vườn mẫu cho thu nhập trung bình từ 50 đến 80 triệu đồng/vườn/năm. Xã tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thầu quỹ đất công để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; khuyến khích liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị; quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thực hiện tốt vai trò kết nối phát triển sản xuất. Trong xã hiện có hai hợp tác xã, mười công ty, gần 300 hộ đang kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, tăng doanh thu, thu nhập cho người dân. Với hơn 4.000 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% và 95% số lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đạt hơn 31 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,32% và tất cả các hộ có nhà xây dựng kiến cố và được sử dụng điện lưới quốc gia, có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hơn 85% số người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ba trường học trên địa bàn xã đã đạt chuẩn quốc gia. Xã hoàn thành phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2; được công nhận xã văn hóa, đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngọc Phụng có điểm bưu chính, dịch vụ viễn thông, hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử. Xã ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ trong xử lý, điều hành công việc, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân...
Đồng chí Lê Xuân Ðấu, Bí thư Ðảng ủy xã, khẳng định: Ngọc Phụng đạt NTM kiểu mẫu là nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Ðến nay, xã phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Ngọc Phụng tiếp tục đồng hành, trợ giúp các xã biên giới phát triển kinh tế, góp phần nhân rộng phong trào xây dựng NTM.