Đồi “chết” sống dậy những đồi chè
Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn Võ Văn Hiền gắn bó với các phong trào Hùng Sơn từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước nhớ lại: Là một xã miền núi nằm ở tả ngạn sông Lam, cách huyện lỵ Anh Sơn hơn 12 km về phía Tây Bắc. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, do cách trở nên vào mùa mưa Hùng Sơn như một ốc đảo. Rồi những trận lụt lịch sử đưa cát phủ hết lớp đất bãi màu mỡ dọc sông Lam, mặt khác do phát nương làm rẫy, đồi núi trơ trọc nên bị mưa lũ xói mòn nghiêm trọng… Không ít người lũ lượt bỏ xứ đi tìm miền đất hứa. Lúc đó, cả xã không có nổi em học sinh nào tốt nghiệp cấp 2... Lãnh đạo địa phương nơi đây bao phen trăn trở tìm hướng đi cho Hùng Sơn. Ông Hiền chia sẻ: Lãnh đạo xã đã bao lần, hết ra bắc tìm giống vải thiều đưa về trồng để phát triển vườn đồi; dự án trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê; rồi sang vùng Phủ Quỳ, lên vùng Bãi Phủ đưa cây tiêu, các loại cây ăn quả về trồng… đều không thành công. Những năm 90, Hùng Sơn vẫn tiêu điều, xác xơ.
Đầu năm 2000, thực hiện chủ trương của huyện Anh Sơn phát triển cây chè, xã tổ chức hội nghị “Diên Hồng” với những cán bộ, đảng viên, người dân có tư tưởng tiến công vào mặt trận xóa đói, giảm nghèo và ra một quyết định, đưa cán bộ và người dân xuống Tổng đội TNXP 1 ở xã Long Sơn tham quan, học kỹ thuật trồng chè. Bởi Hùng Sơn có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng giống Long Sơn, trong lúc Long Sơn trồng chè ở vùng đồi cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hiền lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận nhiệm vụ dẫn 120 cán bộ, đảng viên và những nông dân có chí hướng làm ăn xuống Long Sơn tham quan, học tập. Ngay sau khi đi về, với tinh thần gương mẫu, Bí thư đảng ủy xã lúc bấy giờ là ông Cao Đình Khang cùng hai nông dân khác là Võ Văn Đông và Võ Thị Thanh (người nhà của ông Hiền) bắt tay vào trồng ba hecta chè đầu tiên trong xã, sau đó phát động nhân dân trồng dần được 27 hecta chè. Không phụ công, cây chè nhanh chóng bén duyên ở Hùng Sơn, ngày một xanh tốt. Sau bốn năm, chè cho thu hoạch, đạt lợi nhuận gấp đôi cây lúa đã mở hướng đi mới cho Hùng Sơn.
Lúc đó, đi đâu cũng thấy bà con bàn tán về hiệu quả mà cây chè đưa lại và họ bắt đầu dồn sức để trồng chè. Được tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ trồng chè và phát triển hồ đập nhỏ, diện tích cứ tăng dần theo từng năm, lên 50, rồi 200, 300 hecta...Ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Quang Tiến, trồng ba hecta chè cho biết: Trồng chè, đầu tư không lớn, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và một số cây trồng khác, và thu hoạch quanh năm; hơn nữa, mặc dù giá cả cây chè có lúc lên xuống theo thị trường nhưng chưa bao giờ phải giải cứu nên bà con Hùng Sơn đã bị cây chè “mê hoặc”.
Chè Hùng Sơn thơm ngon,sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ gọn đến đó, nhất là khi Công ty chè Nghệ An đặt cơ sở thu mua và đầu tư xí nghiệp chế biến chè ngay tại địa phương đã tạo cho bà con phấn kích hăng say trồng chè.Những đồi trọc ở vùng Khe Lầy được mệnh danh là đồi “chết” nay hóa thành đồi chè xanh ngát liền khoảng rộng hơn 50 hecta...Sau 20 năm gây dựng, Hùng Sơn trở thành vựa chè của huyện Anh Sơn và của Nghệ An với hơn 600 hecta chè LDP1. Giờ đây, đến Hùng Sơn thật sướng mắt khi ngắm những đồi chè xanh tít tắp, đẹp như tranh vẽ, đã không ít bạn trẻ tranh thủ Seophi để khoe với mọi người. Ở những nơi thuận lợi, bà con đã đào đắp được 42 hồ đập nhỏ và lắp hệ thống tưới chè tự động. Những đồi chè xanh đang lấn dần, và đuổi những đồi keo ra xa bởi giá trị kinh tế mà nó đem lại cho người dân.
Đi cùng với phát triển vùng nguyên liệu chè, Hùng Sơn cũng thành lập các tổ hợp, HTX chế biến chèvới năng lực chế biến đạt 100 tấn chè búp tươi/ngày. Năm 2020, Hùng Sơn sản xuất và tiêu thụ được hơn 10 nghìn tấn chè các loại, đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng. Trong đó, chè (sạch) xanh Hùng Sơn với mẫu mã đẹp của HTX chè xanh Minh Sáng đạt sản phẩm OCOOP ba sao. Giám đốc HTX chè xanh Minh Sáng Trần Thị Lý cho biết: HTX chúng tôi trồng sáu hecta chè theo tiêu chuẩn sạch, không phun thuốc, các hộ thu hái bằng tay “một tôm, hai lá”, lại được sao tẩm theo bí kíp riêng của chè Thái Nguyên với công nghệ tạo hương vị đậm đà, đặc biệt. Chính vì thế, chè xanh Minh Sáng đã có mặt ở các siêu thị trong khắp cả nước và được người tiêu dùng tin dùng...
Dồn sức phát triển “3Đ”
Bí thư Huyện ủy huyện Anh Sơn Nguyễn Hữu Sáng nhận xét: Sau năm 2012, khi cầu treo Đò Rồng bắc qua sông Lam cùng tuyến Tả ngạn sông Lam - Tỉnh lộ 534 song song với Quốc lộ 7 đi qua xã hoàn thành, Hùng Sơn như lột xác, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hùng Sơn từng bước hình thành các vùng nguyên liệu dọc theo bãi bồi dọc sông Lam trở thành vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường, vùng đồi keo nay phải nhường chỗ cho cây chè.
Theo báo cáo của UBND xã năm 2020, Hùng Sơn đã phát triển được vùng nguyên liệu chè với 600 hecta cùng 600 hecta keo và hơn 150 hecta mía. Chỉ tính riêng hai cây nguyên liệu chè và mía, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân Hùng Sơn còn phát triển mạnh dịch vụ, cùng hàng trăm lao động đi xuất khẩu lao động hay làm ăn xa... Tại Hùng Sơn, còn có trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao do Tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư trên diện tích 100 hecta hàng năm cung cấp khoảng 500 nghìn con lợn giống ra thị trường. Trên cơ sở đó, đã khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi lợn gia công cho Mavin. Từ một xã khó khăn, Hùng Sơn đã từng bước trở thành xã khá của huyện Anh Sơn. Đến nay, thu nhập của người dân đã đạt 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và huyện; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2 %; Người dân đã sắm được nhiều ô tô, nhà cửa đến đường làng ngõ xóm đều bề thế và đạt chuẩn, bê tông hóa 100%. Cùng với đó, Hùng Sơn đã chăm lo phát triển văn hóa thể thao, khi mỗi xóm đều có sân thể thao (bóng đá, bóng chuyền); nhà văn hóa đa năng. Địa phương còn chăm lo củng cố hệ thống chính trị, đoàn kết lương-giáo… Chủ tịch UNBD xã Hùng Sơn Trần Minh Hoàn chia sẻ.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND khang trang có bề thế nhất nhì so với các huyện trong tỉnh còn thơm mùi sơn. Theo lãnh đạo Hùng Sơn: Xã có gần một nghìn hộ, hơn 4.200 nhân khẩu, trong đó 33% là bà con giáo dân. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo và người dân, sự đoàn kết lương giáo cùng sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, Hùng Sơn từng bước hoàn thành 19 chỉ tiêu và về đích năm 2015. Hùng Sơn đang phấn đấu về đích xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện miền núi Anh Sơn vào cuối năm 2021 này. Hiện Hùng Sơn đang triển khai đề án chỉnh trang vệ sinh môi trường ở các xóm theo hướng thân thiện môi trường: xanh, sạch, đẹp, sáng. Phấn đấu 100% tuyến đường trong xóm đều có điện chiếu sáng; tiền hành trồng cây xanh và hoa dọc theo các tuyến đường…
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn Võ Văn Hiền: Điều quan trọng, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Hùng Sơn sẽ tập trung phát triển kinh tế bền vững, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Để làm được việc này, Hùng Sơn sẽ tập trung các nguồn lực để ưu tiên phát triển “3Đ”: Đường, Đập và Điện vào vùng chè để vừa phát triển kinh tế, kết hợp du lịch sinh thái và điều hòa môi trường. Cụ thể, địa phương sẽ bê tông hóa khoảng 50 km đường cho vùng nguyên liệu chè; đầu tư mới ba đập thủy lợi lớn có trữ lượng nước từ ½ triệu đến một triệu m3 nước/hồ để chủ động nước tưới cho cây chè và điều hòa môi trường cùng với đó đưa điện lưới đến vùng chè. Trên cơ sở đó, sẽ khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vùng nguyên liệu chè và đầu tư phát triển du lịch sinh thái, thăm quan, thưởng ngoạn đồi chè. Qua trao đổi, được biết, các dự án này đã được địa phương chuẩn bị khá chu đáo cùng với sự hỗ trợ giúp sức của huyện Anh Sơn của tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu được hỗ trợ xi măng, Hùng Sơn sẽ hoàn thành 30 km kênh mương thoát nước dọc các trục giao thông lớn và các khu dân cư…
Trước khi rời xa nhìn những đồi chè xanh tít tắp, những mái nhà ngói mái xanh, đỏ tân kỳ, mong Hùng Sơn sẽ đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra và sớm đạt “mục tiêu 3Đ” đưa địa phương trở thành xã NTM kiểu mẫu ở vùng tả ngạn sông Lam này.