Điểm nhấn thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội

NDO -

Nỗ lực thu hút đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát triển ngày càng thuận lợi là hai điểm nhấn nổi bật, thể hiện trách nhiệm, năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý kinh tế của các cơ quan chức năng thành phố, khẳng định Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư an toàn, ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Điểm nhấn nổi bật trong thu hút đầu tư là việc tổ chức nghiêm túc và hiệu quả các hội nghị xúc tiến đầu tư và nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư của thành phố.

Sau nhiều năm liên tục nâng bậc, hiện Hà Nội đang trụ hạng ổn định trong top 10 các địa phương tốt nhất trong xếp hạng chỉ số PCI. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách hơn 2.200 dự án, vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ với bốn hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn hơn 854 nghìn tỷ đồng, ký hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giá trị vài chục tỷ USD.

Năm 2019, Hà Nội thu hút được 8,67 tỷ USD vốn FDI, cao nhất sau hơn 30 năm qua và là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước, với lũy kế thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Với 286.096 doanh nghiệp tính đến tháng 4-2020, Hà Nội hiện chiếm hơn 1/3 trong tổng số 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động doanh nghiệp trên cả nước tính đến ngày 31/12/2019.

Bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân, riêng Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6-2020, Hà Nội có khoảng 125 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm hơn 43% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của thành phố, với số vốn điều lệ là 1,396 triệu tỷ đồng. Đồng thời, gần 2.000 hợp tác xã trên địa bàn cũng đang phát triển ngày càng đa dạng, trong đó khoảng 65% hoạt động hiệu quả trên thực tế.

Một loạt cơ chế tài chính-tín dụng ưu đãi đặc thù và những nỗ lực hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư được các cơ quan chức năng thành phố phối hợp các cơ quan hữu quan T.Ư và các địa phương, cũng như với nhiều thành phố lớn trên thế giới mà Hà Nội có quan hệ hợp tác, được triển khai liên tục các năm qua đã giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn kịp thời nắm bắt và khai thác tốt các cơ hội kinh doanh; trong đó, phải kể đến việc triển khai các Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025... ; triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước; các triển lãm quốc tế thường niên trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; chỉ từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phối hợp tổ chức hơn 100 cuộc giao thương kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Nội ký kết hơn 5.000 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội tại các địa phương khác…Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) Hà Nội - Moscow, có tổng diện tích khoảng 34.000 m2 tại vị trí đắc địa ở Thủ đô Moscow của Nga là sản phẩm trực tiếp của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai thủ đô. Đây cũng là minh chứng và hình mẫu tiêu biểu cho nỗ lực của Hà Nội cần nhân rộng trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài.

Trong giai đoạn 2011-2020, công tác cải cách hành chính của thành phố đã hoàn thành và về đích sớm hầu hết các chỉ tiêu theo chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô. Trong đó, đã đơn giản hóa 481 thủ tục trên các lĩnh vực; sắp xếp, kiện toàn tổ chức của 22/22 sở và đơn vị tương đương.

Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành; xóa bỏ những “nút thắt”, “rào cản” tạo động lực mới cho sự phát triển, nâng cao văn hóa phục vụ, giao tiếp của công chức; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần một số dịch vụ hành chính công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện…

Thực tế cũng ngày càng cho thấy, không chỉ nhờ vào các nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử từ các cơ quan chức năng, mà chuyển đổi số cũng đang và sẽ giúp doanh nghiệp trên địa bàn tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, thời gian, hỗ trợ hoạt động quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hà Nội đã có một số ngành sản xuất quan trọng, ứng dụng công nghệ cao, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano…

Hiện khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Vì vậy, Hà Nội coi trọng kiến tạo thể chế khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; hình thành văn hóa số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân; UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP năm 2021 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, tham gia liên kết chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN; phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30 nghìn doanh nghiệp); Tạo thêm 150 nghìn việc làm mới cho người lao động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và trên 30% ngân sách thành phố.

Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

Để tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô luôn đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và trở thành “Thành phố sáng tạo”, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... Hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế...; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao... Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, các ngành tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh…

Đặc biệt, Hà Nội cần đẩy nhanh, quyết liệt hơn trong kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tinh, gọn, với đội ngũ nhân lực có chất lượng chuyên môn và đạo đức công vụ cao; tăng cường phối hợp và điện tử hóa các hoạt động quản lý giữa các sở, ban, ngành theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”; kịp thời nắm bắt và phản ững chính sách hiệu quả, gỡ khó và giảm thiêu các chi phí thời gian, nhân lực và tài chính cho doanh nghiệp trong tuân thủ các quy trinh quản lý nhà nước và xử lý nghiêm mọi hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Đồng thời, cần coi trọng tăng vai trò và đổi mới hoạt động của các Hiệp hội theo hướng  mở rộng các hội viên, bám sát và luôn đồng hành với doanh nghiệp trong phản ánh và hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin và tăng cường sự tham gia và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.