Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới

NDO - Lịch sử bóng đá đã chứng kiến hàng nghìn người thương vong trên sân vận động do giẫm đạp, ẩu đả hay hỏa hoạn... Một trong những thảm kịch sân cỏ kinh hoàng nhất từng xảy ra trên thế giới là vụ giẫm đạp tại Indonesia ngày 1/10 làm ít nhất 174 người thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ động viên quá khích tràn vào sân Kanjuruhan sau trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya thuộc Giải vô địch bóng đá quốc gia Indonesia - Liga 1 tối 1/10. (Ảnh: Antara)
Cổ động viên quá khích tràn vào sân Kanjuruhan sau trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya thuộc Giải vô địch bóng đá quốc gia Indonesia - Liga 1 tối 1/10. (Ảnh: Antara)

Ngày 5/4/1902, tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh

Một thảm kịch đã xảy ra tại sân vận động Ibrox Park làm 25 người chết và 517 người khác bị thương. Khi trận đấu giữa đội tuyển Scotland và đội tuyển Anh trong khuôn khổ Giải British Home Championship đang diễn ra, một phần khán đài của sân vận động Ibrox Park đã bất ngờ đổ sập xuống.

Ngày 9/3/1946, tại Bolton, England, Vương quốc Anh

33 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương khi một bức tường đổ sập tại sân vận động Burden Park, trước thềm trận đấu giữa câu lạc bộ Bolton Wanderers và Stoke City trong khuôn khổ FA Cup. Tường đã đổ vào người hâm mộ và gây ra vụ giẫm đạp làm nhiều người thương vong trong vụ việc này.

Ngày 30/3/1955, tại Santiago, Chile

70.000 người đã cố chen lấn vào sân vận động để xem trận đấu chung kết giữa Argentina và Chile trong khuôn khổ Cúp bóng đá Nam Mỹ. Hậu quả là 6 người đã thiệt mạng.

Ngày 24/5/1964, tại Lima, Peru

318 người chết và 500 người bị thương trong vụ bạo loạn tại sân vận động quốc gia sau khi Argentina đánh bại Peru trong trận thi đấu ở vòng loại Olympic. Sự hỗn loạn đã bùng lên sau khi trọng tài không công nhận một bàn thắng của đội chủ nhà vào những phút cuối cùng của trận đấu.

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới ảnh 1

Cảnh sát khống chế một cổ động viên quá khích trên sân vận động quốc gia của Peru trước khi thảm kịch xảy ra. (Ảnh: Bettmann/CORBIS)

Ngày 23/6/1968, tại Buenos Aires, Argentina

Sau trận đấu giữa câu lạc bộ River Plate và Boca Juniors, các cổ động viên đã rời sân vận động nhưng đi nhầm vào một lối ra đã bị bịt kín. Đám đông giẫm đạp lên nhau, hậu quả là 74 người tử vong và hơn 150 người bị thương.

Ngày 2/1/1971, tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh

Một hàng rào trên sân vận động Ibrox đã bị sập khi trận đấu giữa câu lạc bộ Celtic và Rangers sắp tới hồi kết. Thảm kịch đã xảy ra khi những cổ động viên rời sân vận động bị xô đẩy bởi một đám đông đang tìm cách quay lại sân sau khi biết tin Rangers có bàn gỡ hòa. 66 người đã thiệt mạng và 140 người bị thương trong vụ việc này.

Ngày 4/3/1971, tại Salvador, Brazil

Bốn người đã thiệt mạng và 1.500 người bị thương do nảy sinh mâu thuẫn và ẩu đả trên khán đài.

Ngày 17/2/1974, tại Cairo, Ai Cập

Đám đông đang cố tình chen vào xem một trận đấu đã xô đổ hàng rào khiến 49 người bị giẫm đạp đến chết.

Ngày 31/10/1976, tại Yaounde, Cameroon

Sau khi đội chủ nhà được hưởng quả phạt đền trong trận vòng loại World Cup với Congo, thủ môn Congo đã tấn công trọng tài, kéo theo một cuộc ẩu đả. Chứng kiến trận đấu trên tivi, Tổng thống Cameroon lập tức điều lính nhảy dù đến hiện trường bằng trực thăng để xử lý vụ việc. Hai người đã thiệt mạng trong vụ việc này.

Ngày 6/12/1976, tại Port-au-Prince, Haiti

Trong trận đấu giữa đội chủ nhà Haiti và Cuba ở vòng loại World Cup, sau khi đội khách ghi điểm, một cổ động viên của đội chủ nhà đã đốt pháo. Các cổ động viên tưởng đó là tiếng súng, liền lao vào hạ gục 1 binh sĩ. Tiếng súng vang lên, một bé trai và một bé gái trong đám đông tử vong. Đám đông hoảng loạn bỏ chạy khiến 2 người bị giẫm đạp đến chết, 1 người đàn ông cũng tử vong sau khi nhảy qua một bức tường. Binh sĩ nêu trên đã tự sát.

Tháng 10/1982, tại Liên Xô

Nhiều cổ động viên đã bị giẫm đạp đến chết khi cố gắng rời sân vận động Luzhniki ở Moscow trong trận đấu Cúp UEFA giữa Spartak Moscow và HFC Haarlem (Hà Lan). Con số tử vong chính thức trong vụ việc được công bố là 66 nạn nhân.

Ngày 11/5/1985, tại Bradford, vùng England, Vương quốc Anh

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới ảnh 2

Điều tra viên làm việc tại hiện trường đám cháy sân vận động Valley Parade. (Ảnh: ANL/Rex Shutterstock)

56 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong vụ hỏa hoạn xảy ra trên khán đài của sân vận động Valley Parade trong trận đấu giữa Bradford với Lincoln City. Cuộc điều tra chính thức cho rằng rác tích tụ bên dưới khán đài gây ra đám cháy. Nhiều khả năng ngọn lửa đã bùng lên bởi một điếu thuốc lá.

Ngày 29/5/1985, tại Brussels, Bỉ

Trận chung kết Cúp C1 châu Âu giữa Liverpool (Anh) và Juventus (Italia) tại sân vận động Heysel đã biến thành bạo loạn khi một bức tường ngăn các cổ động viên của 2 đội bóng đổ sập. 39 người đã thiệt mạng và hơn 600 người khác bị thương sau vụ việc này.

Ngày 12/3/1988, tại Kathmandu, Nepal

Cơn lốc kèm mưa đá bất chợt xuất hiện khiến cổ động viên bỏ chạy khỏi sân vận động, tuy nhiên, các lối ra đều bị khóa. Trong cơn hỗn loạn, ít nhất 93 người đã chết và hơn 100 người bị thương.

Ngày 15/4/1989, tại Sheffield, England, Vương quốc Anh

Hàng nghìn cổ động viên đã tràn vào sân vận động Hillsborough xem trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest. Nhiều người bị mắc kẹt, rồi giẫm đạp lên nhau trên khán đài, làm 96 người thiệt mạng. Việc cảnh sát cho phép hơn 5.000 cổ động viên vào sân, bất chấp các khán đài đã kín người, được cho là nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc kinh hoàng này.

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới ảnh 3

Cổ động viên của Liverpool tìm cách rời đi trước trận đấu giữa Liverpool và Nottingham Forest trên sân Hillsborough. (Ảnh: AP)

Vào tháng 6 năm ngoái, 1 nạn nhân trong vụ việc trên đã qua đời, 32 năm sau khi bị tổn thương não nghiêm trọng và không thể hồi phục sau vụ giẫm đạp ở Hillsborough.

Ngày 13/1/1991, tại Orkney, Nam Phi

Ít nhất 42 người chết, phần lớn bị giẫm đạp hoặc xô đẩy dọc theo hàng rào chung quanh sân bóng, khi đám đông cổ động viên hoảng loạn tìm cách tháo chạy khỏi những cuộc ẩu đả trên khán đài.

Trong trận đấu tiền mùa giải tại sân vận động Oppenheimer ở ​​thị trấn mỏ Orkney giữa Kaizer Chiefs và Orlando Pirates, 1 người hâm mộ Pirates đã tấn công những cổ động viên Chiefs bằng 1 con dao.

Ngày 16/10/1996, tại Guatemala City, Guatemala

Ít nhất 78 người đã thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ giẫm đạp trên sân vận động trước trận đấu vòng loại World Cup giữa 2 đội tuyển Guatemala và Costa Rica.

Ngày 9/7/2000, tại Harare, Zimbabwe

13 người đã thiệt mạng sau khi xảy ra giẫm đạp trong trận đấu vòng loại World Cup giữa 2 đội tuyển Nam Phi và Zimbabwe.

Ngày 11/4/2001, tại Johannesburg, Nam Phi

Đám đông bên ngoài sân Ellis Park đã kéo vào sân vận động vốn đã chật cứng người để xem trận đấu giữa 2 đội bóng Kaizer Chiefs và Orlando Pirates. Nhiều người bị mắc kẹt trong hàng rào thép gai, hậu quả là 47 người mất mạng. Trước đó, cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông đang giẫm đạp bên ngoài sân vận động.

Tháng 5/2001, tại Ghana

Khoảng 126 người đã thiệt mạng trong 1 vụ giẫm đạp tại sân vận động bóng đá chính ở thủ đô Accra, khi cảnh sát bắn hơi cay vào những người hâm mộ để giải tán cuộc bạo loạn. Đây là một những thảm họa bóng đá tồi tệ nhất châu Phi.

Tháng 3/2009, tại Bờ Biển Ngà

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới ảnh 4

Khung cảnh hỗn loạn tại sân vận động Felix Houphouet-Boigny trong trận đấu vòng loại World Cup 2010 giữa Bờ Biển Ngà và Malawi, ngày 29/3/2009. (Ảnh: Reuters)

Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong 1 vụ giẫm đạp tại sân vận động Felix Houphouet-Boigny tại thủ đô Abidjan, ngay trước trận đấu vòng loại World Cup giữa chủ nhà Bờ Biển Ngà với Malawi.

Ngày 1/2/2012, tại Port Said, Ai Cập

Truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin, ít nhất 73 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương khi người hâm mộ của 2 đội bóng Al-Masry và Al-Ahly kéo xuống sân bóng sau chiến thắng 3-1 của Al-Masry.

Cổ động viên quá khích đã ném gậy, đá vào nhau, gây ra 1 vụ giẫm đạp. Giải vô địch quốc gia Ai Cập đã bị đình chỉ trong 2 năm theo sau vụ việc trên.

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới ảnh 5

Cổ động viên đụng độ trên khán đài. (Ảnh: Rex Features/The Guardian)

Tháng 1/2022, tại Cameroon

Ít nhất 8 người chết và 38 người bị thương trong 1 vụ giẫm đạp tại sân vận động Yaounde Olembe ở Cameroon trước trận đấu vòng 16 đội Cúp Bóng đá châu Phi (CAN) giữa đội chủ nhà với Comoros.

Ngày 1/10/2022, tại Đông Java, Indonesia

Theo thông tin tính đến 14 giờ ngày 2/10 (giờ Hà Nội), vụ giẫm đạp trên sân vận động Kanjurruhan ở Malang đã cướp đi tính mạng của 174 người và làm 180 người khác bị thương. Vụ việc xảy ra sau kết quả thua 2-3 của chủ nhà Arema trước Persebaya Surabaya trong trận đấu thuộc Giải vô địch bóng đá quốc gia Indonesia - Liga 1.