Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ bạo động bóng đá ở Indonesia tăng lên 129 người

NDO - Thông tin thêm về vụ bạo động trên sân vận động Kanjurruhan ở Malang, tỉnh Đông Java tối 1/10, cảnh sát Indonesia sáng 2/10 cho biết, số người thiệt mạng trong vụ việc đã tăng lên 129 người, khoảng 180 người khác bị thương.
0:00 / 0:00
0:00
Một nạn nhân trong vụ bạo động tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, Indonesia. Ít nhất 129 người đã tử vong sau vụ việc. (Ảnh: Jakarta Post)
Một nạn nhân trong vụ bạo động tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, Indonesia. Ít nhất 129 người đã tử vong sau vụ việc. (Ảnh: Jakarta Post)

Con số thương vong tiếp tục tăng sau khi xảy ra tình trạng giẫm đạp sau trận thua 2-3 của chủ nhà Arema FC trước Persebaya Surabaya ở vòng 11 giải bóng đá hàng đầu Indonesia - Liga 1, khiến đây trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Theo ông Nahar, Thứ trưởng Bộ Nữ quyền và Bảo vệ trẻ em Indonesia, đến nay, đã có ít nhất 17 trẻ em thiệt mạng và 7 trẻ em bị thương trong vụ việc trên, con số thương vong khả năng có thể tăng lên.

Hầu hết những trẻ em thương vong trong thảm kịch này đều ở độ tuổi từ 12 đến 17. Hiện bộ trên vẫn đang tiếp tục xác định số trẻ em thiệt mạng và những nạn nhân bị thương cần được điều trị thêm về thể chất và tâm lý.

Sau khi trận “derby Đông Java” kết thúc, cổ động viên đội chủ nhà Arema đã tỏ ra bất bình và tràn vào sân.

Cảnh sát đã buộc phải bắn hơi cay, dẫn đến đám đông giẫm đạp ở các lối ra và nhiều trường hợp bị ngạt thở, Cảnh sát trưởng Đông Java, Tướng Nico Afinta thông tin với báo giới.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ bạo động bóng đá ở Indonesia tăng lên 129 người ảnh 1
Cổ động viên quá khích tràn vào sân sau trận đấu. (Ảnh: Antara)

Video từ các kênh tin tức địa phương cho thấy, các cổ động viên đổ xô vào sân vận động và đã có thương vong. Lượng lớn hơi cay trong sân vận động khiến nhiều người phải trèo qua hàng rào tìm cách thoát khỏi sân.

Một số phương tiện cũng bị thiêu rụi trong vụ bạo động, bao gồm 10 xe ô-tô của cảnh sát, cùng khung cảnh hỗn loạn trên đường phố bên ngoài sân vận động.

Đây không phải lần đầu tiên các trận đấu ở Indonesia dẫn đến bùng phát bạo động. Theo sau vụ việc mới nhất, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia, ông Zainudin Amali cho biết, Bộ này sẽ đánh giá lại mức độ an toàn tại các trận đấu bóng đá, bao gồm cả việc xem xét không cho phép khán giả vào sân vận động.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự cố này... Đây là một sự cố đáng tiếc đã làm tổn thương bóng đá Indonesia vào thời điểm mà các cổ động viên có thể vào sân vận động xem trực tiếp các trận đấu bóng đá", ông Zainudin Amali phát biểu.

Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã đình chỉ các trận đấu bóng đá thuộc giải Liga 1 trong 1 tuần, cấm Arema FC tổ chức các trận đấu trên sân nhà trong phần còn lại của mùa giải, đồng thời cho biết sẽ cử 1 nhóm điều tra đến Malang để xác định nguyên nhân của vụ giẫm đạp.

"Chúng tôi rất tiếc và xin gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân và tất cả các bên liên quan đến vụ việc", Chủ tịch PSSI, ông Mochamad Iriawan cho biết.

Bạo lực sân cỏ là 1 vấn đề tồn tại ở Indonesia, nơi mà những cuộc đối đầu giữa các đội bóng nhiều duyên nợ vẫn thường dẫn đến bạo lực.

Một số trận đấu lớn như trận “derby Indonesia” giữa Persija Jakarta và Persib Bandung thường rất “nóng”, khiến các cầu thủ của các đội bóng hàng đầu nhiều lần phải di chuyển đến sân khách thi đấu trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc để bùng phát bạo lực sân cỏ mới nhất có thể ảnh hưởng đến quyền đăng cai các giải đấu quốc tế của Indonesia.

Vào tháng 5-6 năm sau, nước này sẽ đăng cai FIFA U20 World Cup. Indonesia cũng là 1 trong 3 quốc gia đang chạy đua giành quyền đăng cai Asian Cup 2023, sau khi Trung Quốc xin rút đăng cai với tư cách chủ nhà.