Dịch vụ hỗ trợ pháp lý tốt tạo đà cho đầu tư quốc tế

"Sự hỗ trợ pháp lý của luật sư Việt Nam và Nhật Bản để tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản" là chủ đề tại hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức được giới luật sư, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh bình thường hóa xã hội, mở cửa hoạt động đầu tư sau đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Rất nhiều nội dung tại hội thảo mang tính thực tiễn, gắn với những yêu cầu hợp tác phát triển hiện tại và những năm tới giữa hai nước, được đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ luật sư hai nước quan tâm. Các diễn giả, chuyên gia pháp luật, luật sư tham gia trao đổi các ý kiến đánh giá về xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản về cung cấp dịch vụ pháp lý khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam và các lưu ý hoặc hạn chế khi đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản; các ý kiến, sáng kiến hợp tác, liên kết hợp tác ngành, chia sẻ bài học kinh nghiệm giữa luật sư hai nước...

Ðề cập vấn đề pháp lý và tư pháp là một trong những yếu tố góp phần nâng cao mối quan hệ giữa các bên, các chuyên gia pháp luật nhận định: Trong xã hội hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là một trong những yêu cầu tất yếu. Trong nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, lĩnh vực thương mại quốc tế, các doanh nghiệp ngày càng có yêu cầu về pháp lý cao hơn, bên cạnh đó là tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi và sự ổn định trong các quy định của pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật.

Ban tổ chức hội thảo cũng nhận được các ý kiến của các đại biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính... từ đó đề xuất với đại diện Bộ Tư pháp, các bộ, ngành hữu quan các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai nước, làm sao để luật sư thương mại quốc tế hai nước cung cấp các dịch vụ pháp lý tốt nhất đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế trong thực tiễn hiện nay...

Ghi nhận các kiến nghị, ý kiến của các nhà ngoại giao, chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các chuyên gia, các công ty luật, luật sư nước ngoài tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức của Nhật Bản; tham gia tích cực hơn nữa trong hỗ trợ pháp lý cho Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Ông Phan Chí Hiếu cũng đề nghị các bên tham gia ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện khung pháp lý về luật sư, hành nghề luật sư, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.

Trong đó, quan tâm hỗ trợ dịch văn bản pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư của Nhật Bản ra tiếng Việt để tham khảo trong quá trình Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư ở Việt Nam trong năm tới.

Theo ông, nội dung quan tâm nữa là tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên luật có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với các luật sư trẻ, luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Ðỗ Ngọc Thịnh cho biết: Hội thảo góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trong quá trình đổi mới, phát triển, đội ngũ luật sư Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào quá trình thúc đẩy hoạt động đầu tư quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản thông qua các hoạt động hỗ trợ pháp lý, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, triển khai hoạt động đầu tư thuận lợi, đúng pháp luật, phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng...

Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá thời gian qua, hai Liên đoàn đã có nhiều đóng góp vào quá trình thúc đẩy hoạt động kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý, giúp cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận được thị trường, triển khai hoạt động thuận lợi, đúng pháp luật, phòng ngừa được rủi ro và bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Ðến nay, cả nước có hơn 17.200 luật sư hoạt động trong hơn 4.000 tổ chức, trong đó hơn 1.000 luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, thương mại quốc tế có năng lực chuyên môn và khả năng hội nhập vào thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế.

Ðội ngũ Liên đoàn Luật sư Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các hiệp hội luật sư nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Ðức, Malaysia…, tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA), Hội Luật châu Á-Thái Bình Dương (Law Asia)…