Loạn phí đổi tiền
Ngay những ngày đầu tháng Chạp năm Kỷ Hợi, các trang mạng giới thiệu dịch vụ đổi tiền đã bắt đầu sôi nổi. Năm nay, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… người ta dễ dàng bắt gặp các trang đổi tiền với số lượng thành viên theo dõi lên tới hàng chục nghìn người. Bảng giá đổi tiền được các trang này cập nhật từng ngày, và càng gần Tết, phí đổi càng leo cao.
Theo “cảnh báo” của một “admin” trang “đổi tiền lẻ giá rẻ”, năm nay phí đổi tiền so với năm ngoái sẽ “nhỉnh” hơn một chút bởi tiền mới rất khan hiếm. “Anh, chị cố gắng liên hệ với em để đổi sớm thì may ra còn có thếp tiền mới nguyên seri, chứ càng chờ đến cận Tết thì càng hiếm mà phí sẽ cao hơn rất nhiều” - “admin” này nhắn nhủ khách hàng. Hiện, bảng phí dịch vụ đổi tiền mới mà trang dichvudoitien.com giới thiệu đang được áp dụng theo mức: phí đổi lấy tiền mệnh giá 1.000 đồng là 13%, các mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng là 10%, cá biệt mức phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng được đẩy lên tới 270% do tiền này đang ngày càng khan hiếm.
Thị trường “không gian mạng” như vậy, còn tại các địa điểm “đổi tiền” nổi tiếng hay các khu vực đền, chùa,… cũng không kém phần sôi động. Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ mới, phóng viên đã thực tế khảo sát tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và một số điểm kinh doanh trên đường Đinh Lễ, Hà Trung, Xuân Thủy,… Dù không công khai, nhưng người dân chỉ cần “kín đáo” hỏi thì gần như vẫn có thể đổi được tiền tại các cửa hàng bán đồ lễ trong khu vực Phủ Tây Hồ. Tại đây, để đổi lấy một thếp tiền mệnh giá 1.000 đồng (tương đương 100 nghìn đồng), người đổi phải đưa cho chủ cửa hàng 120 nghìn đồng. Và theo ghi nhận, dù không “niêm yết” nhưng mức phí 20 đến 30% được áp dụng gần như giống nhau tại các cửa hàng và tiền lẻ mới mệnh giá càng thấp thì phí đổi càng cao.
Trái ngược với thị trường tự do, việc đổi tiền tại các ngân hàng lại ngày càng bị siết chặt. Chị Nguyễn Diệu Ngọc, khách hàng VIP của một ngân hàng chia sẻ: “Mọi năm, tôi vẫn được nhân viên ngân hàng này ưu ái để dành cho một ít tiền mới, nhưng năm nay, đến 23 tháng Chạp rồi mà vẫn không thấy gì. Nhân viên ở đây giải thích, đến thời điểm này chính các bạn nhân viên của ngân hàng cũng không thể biết được có thể có tiền mới mệnh giá nhỏ để “chia” cho các khách hàng VIP như mọi năm hay không”.
Chị Nguyễn Linh Chi, nhân viên một Ngân hàng Thương mại nhà nước cho biết: Vào mỗi dịp Tết, tôi thường xuyên nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nhờ đổi tiền của người thân và bạn bè. Việc đổi tiền này thực tế gây rất nhiều khó khăn cho những nhân viên trong ngành như tôi. Thứ nhất, là rất rủi ro khi có nhiều người nhờ đổi tiền, sẽ dễ gây nhầm lẫn khi kiểm đếm. Như có năm, tôi nhận tiền của mọi người nhờ đổi xong, đến khi đưa vào kho kiểm đếm thì bị “dính” mấy tờ tiền giả. Lúc ấy làm sao biết là tiền của ai nên tôi đành phải bỏ tiền túi ra đền. Thứ hai, gây phiền phức cho bản thân và cả người thân của mình khi cuối năm là thời điểm rất bận rộn mà còn phải kiêm luôn việc này nữa. Vì thế trong hai năm trở lại đây khi nhận cuộc điện thoại như vậy tôi đều phải cáo lỗi. Đây là nỗi ám ảnh của cán bộ ngân hàng dịp cuối năm.
Tiếp tục không in mới tiền lẻ dịp Tết
Năm nay đã là năm thứ bảy NHNN Việt Nam chủ trương không đưa các loại tiền mới in có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống và là năm thứ hai không đưa tiền có mệnh giá 10.000 đồng mới in ra lưu thông trong dịp Tết. Với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng, NHNN khẳng định bảo đảm cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông, không phân biệt tiền mới hay đã qua sử dụng (kể cả trong dịp Tết Nguyên đán) để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
Liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu thanh toán trong dịp Tết, đại diện NHNN cũng cho biết, không thiếu tiền các loại mệnh giá trong dịp này. Cụ thể, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, nhu cầu thanh toán tăng khoảng 15% so với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tương ứng hơn 370 nghìn tỷ đồng. “Để bảo đảm nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, NHNN có điều hòa lượng tiền cho tất cả các tỉnh, thành phố với hơn 260 nghìn tỷ đồng. Vào dịp Tết, NHNN chi nhánh ở các địa phương cũng bảo đảm lượng dự trữ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán. Còn đây chỉ là lượng tiền được điều chuyển từ kho NHNN Trung ương đến các chi nhánh các tỉnh, thành phố” - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Phạm Bảo Lâm khẳng định.
Còn về tiền lẻ, đại diện sở giao dịch NHNN cho biết, các loại tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống được NHNN chỉ đạo đẩy mạnh đưa ra lưu thông từ tháng 4 đến tháng 11. Về mệnh giá tiền và nhu cầu cho thanh toán, hệ thống ngân hàng đều bảo đảm đầy đủ cho các nhu cầu và mục đích thanh toán đối với tất cả các tổ chức cá nhân trong nền kinh tế. Riêng về tiền mới mệnh giá nhỏ, như mọi năm, sau tháng 11, trong dịp Tết Nguyên đán, NHNN hạn chế đưa ra tiền mới in có mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống. Tuy nhiên, NHNN vẫn khuyến khích người dân nên sử dụng các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt.