Dịch Covid-19 khiến chúng ta thay đổi những suy nghĩ về cuộc sống

NDO -

“Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại cá nhân, về xã hội và các mối quan hệ. Có vẻ Covid-19 làm người ta trưởng thành hơn. Tôi cũng thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, dành tình cảm cho gia đình, bạn bè nhiều hơn. Với tâm thế sẵn sàng vác balo đi 5-7 tháng nên ở nhà ngày nào, tôi đều dồn hết yêu thương cho gia đình”, BS Thân Mạnh Hùng mở đầu câu chuyện. 

Dịch Covid-19 khiến chúng ta thay đổi những suy nghĩ về cuộc sống
DỊCH COVID-19 KHIẾN CHÚNG TA THAY ĐỔI NHỮNG SUY NGHĨ VỀ CUỘC SỐNG
Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại các mối quan hệ xã hội -0

“Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại cá nhân, về xã hội và các mối quan hệ. Covid-19 làm người ta trưởng thành hơn. Tôi cũng đã thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, bạn bè”, BS Thân Mạnh Hùng mở đầu câu chuyện. 

Đợt dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam đã giữ chân BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại viện suốt ba tháng. Anh cũng là Trưởng đoàn y tế nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo đón hơn 200 công dân Việt Nam. Anh cũng là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 19 – người mở đầu cho giai đoạn 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Anh bảo, ngày nào đó, khi rảnh rỗi, anh sẽ viết lại những câu chuyện chung quanh Covid-19 suốt một năm qua, ở vị trí là một bác sĩ và cũng là một con người bình thường phải đối mặt với nguy cơ nhiễm Covid-19 bất kỳ lúc nào. 

Trong một buổi chiều cuối năm, sau khi chuyển giao kíp trực, anh kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện hậu trường của một người đã dấn thân vào điểm nóng nhất Covid-19.  

CHUYẾN ĐI GIÀU CẢM XÚC TẠI GUINEA XÍCH ĐẠO

PV: Xin bắt đầu câu chuyện với anh về chuyến đi Guinea Xích Đạo, với tư cách là trưởng đoàn y tế, anh và các đồng nghiệp không tránh khỏi những lo lắng?

BS Thân Mạnh Hùng: Khi nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn của đoàn y tế đi đón công dân ở Guinea Xích Đạo về, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các vật tư trang thiết bị thủ tục hành chính bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tối đa. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng không tránh khỏi. 

BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
BS Thân Mạnh Hùng (quần áo xanh dương) trước khi nhận nhiệm vụ lên đường sang Guinea Xích Đạo.  

Chúng tôi được thông tin sẽ bay qua châu Phi và đón 219 công dân trở về, trong đó có 120 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó, có 30 bệnh nhân nằm viện, đã bị Covid-19 tấn công có biểu hiện lâm sàng, 6-7 bệnh nhân thở ô-xy. Máy bay không gian hẹp, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 có quá một nửa, nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều người gọi đó là chuyến đi cảm tử vì nguy cơ lây nhiễm lên tới hơn 80%.

“Làm sao chúng ta vận chuyển an toàn bệnh nhân trong quãng đường bay 13 giờ đồng hồ khi máy bay càng lên cao áp suất càng giảm, những bệnh nhân mắc Covid-19 có thể diễn biến trở nặng lớn. Kịch bản phải như thế nào đây?”, anh em chúng tôi đều hỏi nhau. 

BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
 Máy bay được thiết kế từng khoang ngăn cách bởi tấm chắn nhựa. 

Một nhiệm vụ quan trọng với nhân viên y tế chúng tôi là phải ổn định tâm lý cho đoàn công tác và ổn định tâm lý cho bệnh nhân. Thí dụ, nếu có bệnh nhân nặng phải cấp cứu và không may tử vong trên máy bay thì làm sao để ổn định tâm lý cho mọi người. 

Chúng tôi cũng lên kịch bản cấp cứu thảm họa. Thực tế, chuyến bay chỉ mang được hai máy thở ô-xy nhưng trong tình huống số người nhiều hơn thế, chúng tôi phải hướng dẫn cho phi hành đoàn, các công dân của mình hỗ trợ bóp bóng. 

PV: Cảm xúc lúc các anh xuống Guinea Xích Đạo có lẽ là thời khắc không bao giờ quên với một người bác sĩ đã từng cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch?

BS Thân Mạnh Hùng: Sân bay ở Guinea Xích Đạo khá cũ kỹ. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ tiếp nhận máy bay lớn như chuyến bay giải cứu của chúng ta. Máy bay hạ cánh, khi chúng tôi còn phải làm các thủ tục để tiếp nhận công dân Việt Nam thì từ phía xa, bên trong nhà chờ, tất cả đồng loạt vẫy cờ chào đón chúng tôi. Có những người ôm nhau khóc. Dường như mọi gánh nặng tâm lý của hơn 200 người tại đây được trút bỏ. Những công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo vô cùng cảm động khi cảm nhận được tình nghĩa đồng bào, không bị bỏ rơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó là những hình ảnh rất xúc động, là khoảnh khắc lịch sử không bao giờ quên.

BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
 Khoảnh khắc đón nhận 200 đồng bào trở về quê mẹ đầy xúc động.

Thời điểm đó, may mắn nhiều ca bệnh đã trở về âm tính. Những người thở ô-xy đã cai máy. May mắn hơn nữa, trong suốt quá trình bay, không có bệnh nhân nào diễn biến nặng, không phải can thiệp hô hấp. 

PV: Đó là một chuyến bay giải cứu đặc biệt. Ngoài lo lắng về nhiệm vụ được giao, các anh vượt qua nỗi sợ hãi Covid-19 như thế nào? 

BS Thân Mạnh Hùng: Mình tự tin vì bản thân đã trải qua kinh nghiệm về vấn đề tiếp nhận xử trí cấp cứu bệnh nhân và hiểu về bệnh do virus SARS-CoV-2. Nhưng nếu nói không lo lắng cho bản thân là không đúng. 

Đoàn cán bộ y tế của chúng tôi có bốn người, mỗi người đều có một hoàn cảnh, suy nghĩ, lo lắng nhất định. Có người còn cẩn thận viết lại di chúc trước khi lên đường. Hầu hết đều giấu đi sự lo lắng riêng cho bản thân. Trong suốt chuyến bay, khi đã cuốn vào nhiệm vụ, chúng tôi cũng quên đi sức khỏe của mình thế nào. Chuyến bay trở về an toàn, phi hành đoàn an toàn, cán bộ y tế an toàn, không có diễn biến bất thường, các anh em chúng tôi mới thật sự thở phào nhẹ nhõm. 

Tôi vẫn nói với anh em đồng nghiệp, có rất nhiều chuyện tôi muốn viết lại, kể lại bằng cuốn hồi ký sau này. 

BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
 "Chúng tôi đã trở về an toàn và không có biến cố gì xảy ra trong quá trình di chuyển".
BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
 BS Thân Mạnh Hùng ra dấu hiệu an toàn trong ngày trở về từ Guinea Xích Đạo với vai trò là Trưởng đoàn y tế. 

ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA BÁC SĨ LÀ CHỮA BỆNH

PV: Anh là một trong những bác sĩ đầu tiên ở lại cách ly tại bệnh viện. Ba tháng sau đó anh mới về nhà. Đó là những ngày tháng như thế nào với các bác sĩ truyền nhiễm như anh?

BS Thân Mạnh Hùng: Ngày 5 Tết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Tôi và anh Cấp (BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) quyết định cùng ở lại để điều trị cho bệnh nhân.

Thời điểm đó, bệnh nhân ít và không có ca bệnh nặng. Tuy nhiên, đó là thời điểm chúng tôi chưa thể biết virus SARS-CoV-2 nó sẽ tấn công làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh như thế nào. Chúng tôi chỉ có những phác đồ điều trị khác từng triển khai như điều trị MERS-CoV-2, SARS. Tuy nhiên, diễn biến bệnh cảnh của bệnh nhân rất khác và chúng tôi buộc phải liều lĩnh đưa ra những quyết định điều trị riêng dựa trên triệu chứng của bệnh nhân. 

PV: Trong tình thế có những bệnh nhân vô tình lây lan dịch bệnh, thậm chí bị cư dân mạng khai thác quá nhiều chi tiết. Vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa làm tâm lý cho họ, điều này có phải là thách thức?

BS Thân Mạnh Hùng: Bệnh nhân số 17 có một dấu ấn đặc biệt với anh em trong lĩnh vực truyền nhiễm chúng tôi. Với yếu tố dịch tễ, triệu chứng giống nhiễm virus corona chủng mới, BN 17 được cách ly ngay tại phòng áp lực âm. Khi nhập viện, cộng đồng dậy sóng và bản thân bệnh nhân bị ném đá nhiều vì đây là ca bệnh mở đầu cho làn sóng dịch thứ 2 tại Việt Nam. 

BS Thân Mạnh Hùng: Tôi sẽ viết hồi ký về những năm tháng sống khác với Covid-19 -0
"Ưu tiên hàng đầu của bác sĩ chúng tôi là chữa bệnh cho bệnh nhân"

Trực tiếp theo dõi, điều trị cho ca bệnh này, tôi thấy bạn ấy có biểu hiện hoảng loạn lo lắng về mặt tâm lý. Lo sợ cho bạn ấy, không muốn bạn ấy nhận thêm nhiều áp lực nữa vì có thể ảnh hưởng kết quả điều trị, tôi đã nhiều lần nhắn tin “Em hãy khóa facebook”.

Là bác sĩ, chúng tôi ít nghĩ đến đúng sai của xã hội mà quan tâm điều trị tốt cho người bệnh. Sức khỏe và tính mạng người bệnh được đặt lên trên hết nên chúng tôi xác định phải ổn định tâm lý cho bạn hồi phục sớm. Áp lực tâm lý đặt lên vai chúng tôi, đó là phải điều trị cả bệnh và cả tâm lý cho bạn ấy. Chúng tôi cung cấp sách vở cho bạn ấy đọc, khuyên bạn ấy ngồi thiền để tĩnh tâm. Rất may bạn ấy có tổn thương phổi một chút nhưng không biến chứng nặng.

Thực tế, những gì mạng xã hội nói khác với những gì chúng tôi được biết. Tôi đã đưa bạn ấy tập giấy A4 liệt kê lại toàn bộ quá trình về nước, để thấy những gì bạn ấy làm không giống như mọi người nói. Bạn ấy cầu nguyện cho người bác.

Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại các mối quan hệ xã hội -0
 Tất cả đều vì sự an toàn của người bệnh.  

PV: Dịch Covid-19 là một phép thử cho những bác sĩ truyền nhiễm như các anh. Thậm chí, nó còn làm thay đổi cả những quan niệm về giá trị cuộc sống. Niềm tin vào ngành y tế Việt Nam dường như được nhân lên rất nhiều?
 

TS Thân Mạnh Hùng: Dịch Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại cá nhân, về xã hội và các mối quan hệ. Có vẻ Covid-19 làm người ta trưởng thành hơn. Tôi cũng thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, dành tình cảm cho gia đình, bạn bè nhiều hơn. Với tâm thế sẵn sàng vác balo đi 5-7 tháng nên ở nhà ngày nào, tôi đều dồn hết yêu thương cho gia đình. 

Tôi cũng thấy cảm động vì đâu đó ngoài xã hội, mọi người cũng nhìn nhận đúng hơn về ngành y tế, dành tình cảm đặc biệt cho nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch. Nhiều người kể cả không quen biết cũng nhắn tin, gọi điện để động viên tinh thần rất lớn. Chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn và cảm ơn xã hội và toàn bộ người dân Việt Nam đã dành tình cảm trân quý đặc biệt cho cán bộ y tế. 

Xin cảm ơn BS Thân Mạnh Hùng! 

THIÊN LAM