Dịch Covid-19 kéo dài tác động đến tranh chấp lao động tại TP Hồ Chí Minh

NDO -

Sáng 5/5, tại tọa đàm giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức, hầu hết các ý kiến chia sẻ tại tọa đàm cho rằng, tình hình dịch Covid-19 xảy ra thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Hình ảnh tọa đàm sáng 5/5.
Hình ảnh tọa đàm sáng 5/5.

Theo Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, việc nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Nhiều đơn vị tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất kinh doanh; phá sản, giải thể, mất tích nên không có khả năng tài chính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dẫn tới nợ khó thu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: Các hình thức phổ biến dẫn đến nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc doanh nghiệp thành lập và hoạt động nhưng không khai báo có sử dụng lao động; cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc đóng không đủ số lao động, đóng không đúng đối tượng, đóng không đúng mức lương…

Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 31/3/2022, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc của các doanh nghiệp, đơn vị là 4.058,86 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,84%. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, năm 2021, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 2.241 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,36%.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho hay: So với các năm trước, năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, việc chấp hành đúng các quy định pháp luật lao động trên địa bàn thành phố của doanh nghiệp/cơ sở/chủ sử dụng lao động có phần khó khăn; trong đó, có sự tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian làm việc, doanh thu của chủ sử dụng lao động và thu nhập của người lao động. Cụ thể, năm 2021, Thanh tra Sở này đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người lao động.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố nhận định: Doanh nghiệp/chủ sử dụng lao động chưa nắm hết các quy định của pháp luật dẫn đến không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ lao động, vi phạm pháp luật về lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vi phạm vì lý do kinh tế, do dịch Covid-19 không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình như việc trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ, cắt giảm thời gian làm việc, ngày công… dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.

Thanh tra Sở cũng chia sẻ một thực tế, người khiếu nại/người lao động không biết “gõ cửa” ở đâu để được hướng dẫn, tư vấn, tham khảo pháp luật nên dẫn đến đình công, lãn công, khiếu nại vượt cấp, tố cáo không đúng nơi giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm, trên thực tế tranh chấp lao động xảy ra đều có lỗi của người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, chủ yếu là người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp.

Vấn đề lương, các chế độ phúc lợi chưa hài hòa, lợi ích không cân bằng cũng là tiềm ẩn gây ra tranh chấp lao động. Do đó, vai trò của tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở đối với việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện luật, các chế độ chính sách, xây dựng thang bảng lương và các thỏa ước lao động là vô cùng quan trọng đối với người lao động và chủ doanh nghiệp.

Công đoàn cơ sở còn là cầu nối để người sử dụng lao động và người lao động đối thoại, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tâm tư, nguyện vọng.