Đi tìm nụ cười rạng rỡ cho những em bé khuyết tật môi – vòm miệng

NDO -

NDĐT – 10 năm qua, đã có hàng chục ngàn em bé được tìm lại nụ cười rạng rỡ dù sinh ra không may mắn bị sứt môi, hở hàm ếch. Và hành trình tiếp tục hỗ trợ hàng nghìn ca bệnh nhi không may mắn này đã trở lại trong tháng 3 này với gần 100 bệnh nhi được hẹn đến khám và phẫu thuật trong ba ngày qua.

GS Trịnh Đình Hải thăm hỏi các em bé trước khi phẫu thuật.
GS Trịnh Đình Hải thăm hỏi các em bé trước khi phẫu thuật.

Tháng phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em khuyết tật môi – vòm miệng do Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phối hợp với tổ chức Phẫu thuật nụ cười Operation Smile tổ chức đã chính thức khai mạc ngày 12-3 và sẽ phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm trẻ dị tật hở hàm ếch.

Theo GS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, để hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những trẻ em bị khuyết tật, thiệt thòi hở hàm ếch, nhiều năm qua, bệnh viện đã đều đặn tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trẻ không may mắc dị tật với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Chỉ trong hai ngày, từ 11 đến 12-3, bệnh viện đã tiếp nhận hơn một trăm bệnh nhi đến khám và được xếp lịch mổ sứt môi hở hàm ếch.

Trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng được miễn 100% chi phí phẫu thuật, lưu viện và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn uống trong thời gian khám, phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật.

Đi tìm nụ cười rạng rỡ cho những em bé khuyết tật môi – vòm miệng ảnh 1

Các em bé đầu tiên được phẫu thuật trong tháng nhân đạo này.

Là một trong số hàng chục phụ huynh ôm con chờ tới lượt phẫu thuật trong tháng nhân đạo này, chị Mông Thị Mến (dân tộc Tày, quê Lạng Sơn) vô cùng hạnh phúc khi biết cậu con trai đầu lòng của mình đã sắp tìm lại được nụ cười rạng rỡ.

Mang thai ở tuổi 30, chị Mông Thị Mến cho biết gia đình vô cùng mừng rỡ khi chị có bầu thai đôi – một trai, một gái. Cùng chồng xa xứ làm mộc ở Bắc Ninh, suốt những tháng thai kỳ, chị chưa một lần được nhìn thấy mặt hai em bé qua siêu âm vì “chúng cứ úp mặt vào nhau” – lời chị kể.

Nhìn thai nhi phát triển khỏe mạnh, chị không còn lo lắng vì chót uống nhiều thuốc điều trị trào ngược dạ dày trước khi mang thai. Nhưng khi sinh hai bé ra, khi em gái xinh xắn khỏe mạnh thì cậu con trai kháu khỉnh của chị lại bị hở hàm ếch rất nặng.

Những ngày tháng sau đó, hành trình nuôi bé con là cả một chặng đường khó khăn vì bé liên tục bị sặc và trớ. Giờ đây, ở tháng thứ sáu với cân nặng 8kg, bé đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã xếp lịch mổ để giúp cháu bé có được khuôn mặt thẩm mỹ.

Đi tìm nụ cười rạng rỡ cho những em bé khuyết tật môi – vòm miệng ảnh 2

Hai mẹ con chị Mông Thị Mến.

Cũng như bao các bà mẹ khác, vô cùng khao khát được nhìn thấy sự lành lặn trên gương mặt của con, ngày 12-3, hơn 100 cháu bé đã được làm các xét nghiệm cần thiết cho cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra vào ngày hôm nay, 13-3.

Theo GS Trịnh Đình Hải, đợt phẫu thuật nhân đạo năm 2019 sẽ có một điểm mới là sử dụng kỹ thuật laser trong điều trị sẹo cho các bé. Theo đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia răng hàm mặt đến từ Úc và Ý, những em bé trong đợt phẫu thuật lần này sẽ có cơ hội được thực hiện kỹ thuật laser.

GS Hải cho biết, khi thăm khám cho những em bé được phẫu thuật khuyết tật môi – vòm miệng thấy những vết sẹo làm cho các bé khó khăn trong hoạt động cơ miệng, xương hàm không phát triển như mong muốn. Thậm chí một số cháu cũng khó ăn bú bình thường sau mổ vì vết sẹo. Vì thế, kỹ thuật laser trong điều trị sẹo ngoài tính chất thẩm mỹ cho môi em bé còn làm cho các em bé ăn bú, nuốt nước bọt bình thường.

“Kỹ thuật này làm cho sẹo trong miệng các bé mềm hơn, không ảnh hưởng đến sự phát triển răng hàm của trẻ em. Chúng tôi sớm tiếp cận kỹ thuật mới được chuyển giao này để mang lại gương mặt thẩm mỹ cho các bé sau phẫu thuật sửa chữa khuyết tật”, GS Hải cho hay.

Đi tìm nụ cười rạng rỡ cho những em bé khuyết tật môi – vòm miệng ảnh 3

GS Trịnh Đình Hải chia sẻ về tháng phẫu thuật nhân đạo năm nay.

Trong hơn 10 năm qua kể từ khi triển khai chương trình phẫu thuật nhân đạo, bệnh viện đã thực hiện hơn chục nghìn ca phẫu thuật và chưa một ca nào bị tai biến. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều gia đình có em bé sinh ra mắc dị tật trên lại chưa nắm được thông tin để đưa các cháu đến phẫu thuật, khiến cho cuộc sống của các cháu vô cùng khó khăn. “Vì vậy, bất kể trường hợp nào mắc dị tật trên, chỉ cần đến bệnh viện bất kỳ thời điểm nào trong năm hoặc gọi điện thoại đến sẽ được tư vấn, sắp xếp lịch mổ miễn phí, hỗ trợ một phần chi phí ăn uống, đi lại”, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội khẳng định.

Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ sinh ra mắc dị tật khe hở môi và khe hở vòm miệng. Việc điều trị, phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ giúp các bé phục hồi chức năng bú mẹ, nhai, cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này.