Đó là Đoàn Đức Minh, một cái tên không còn xa lạ với giới nhiếp ảnh và báo chí nữa. Qua những ngày tháng mải mê với hàng loạt đề tài "Sài Gòn đen và trắng", "Vận động viên khuyết tật"..., bây giờ anh lại tiếp tục dấn thân vào hành trình mới.
Minh kể, từ nhiều năm trước anh đã xem rải rác không ít ảnh chụp nạn nhân chất độc da cam của các tay máy trong và ngoài nước. Tấm nào cũng bắt anh dừng mắt lại vì những ảnh tả thực quá đau thương, khốn khổ của thân phận con người đi ra từ chiến tranh. "Chúng gây sốc, gây phẫn uất, buồn bã nhưng cũng làm tôi suy nghĩ rất nhiều". Và anh dần dần cảm nghiệm được những tấm ảnh này còn thiếu một cái gì đó thuộc về chiều sâu, về những tia sáng nhỏ bé nhưng không bao giờ tắt trong tối tăm phận người!
Những cảm nghiệm này cứ từ từ rõ ra và sâu thêm. Thế rồi trong một đêm khó ngủ cách đây bốn năm, anh chợt bừng tỉnh với suy nghĩ mình phải đi đến tận cùng đề tài này.
Liên tiếp các chuyến đi khắp đất nước, khi thì anh dùng xe đò, xe máy, khi tàu ghe, nhưng rất nhiều chuyến anh phải khập khiễng đi bộ (anh bị khuyết tật chân) để lần mò trên các bờ ruộng, đồi núi mà không một phương tiện giao thông nào có thể vào được. "Lúc đầu tôi còn nghĩ mình phải nỗ lực, nhưng rồi tôi thấy nó quá bình thường khi đối diện với những nỗi đau tưởng rằng không thể có trên cõi đời này. Chút khổ của tôi chỉ là cát bụi so với họ!" -Minh nói. Để phản ánh lại cái đau bên ngoài cơ thể, người ta chỉ cần máy ảnh, vài tấm phim, nhưng để lột tả được nỗi niềm ẩn sâu trong đó, Minh phải ngồi nghe từng chuyện đời, rồi sống chung, ăn chung nhiều ngày đêm với họ. Anh chỉ bấm máy khi đã trải lòng và trở thành bạn của nhau.
"Tôi đã tức tốc lên đường đến Vũ Thư (Thái Bình) khi nghe kể về Mến, cô gái 21 tuổi, nạn nhân của chất độc da cam, phải sống trong cũi suốt cuộc đời bi thảm của mình. Ai cũng nói rằng Mến sẽ không sống được bao lâu khi thân thể cô ngày càng còm cõi, và hiếm hoi lắm tôi mới nhận thấy cô nhoẻn miệng nhô ra hàm rằng to và khỏe dị thường vì suốt ngày ngấu nghiến nhai nuốt tất cả những gì bắt được. Nhiều lần, rồi thôi, tôi không thể nào tìm ra ý để diễn tả cho được một - hình - nhân đang phải sống với số kiếp khủng khiếp thế này. Cho đến khi Mến chìa tay ra nhận ra cha của mình, trong tích tắc cái khoảnh - khắc - con - người trỗi dậy ấy của cô gái, tôi đã bấm máy...".
Chính vì vậy mỗi tấm ảnh sáng, tối của Minh là một câu chuyện, một thân phận con người. Đến nhà anh Nguyễn Văn Hằng ở tận Vũ Thư, Thái Bình, anh đã bàng hoàng khi nhìn cảnh chính cha mẹ phải xiềng con trong cũi. Cô gái 21 tuổi nhiễm chất độc da cam từ người cha, đụng gì cũng ăn, kể cả da tóc, quần áo của mình. Phản xạ nghề nghiệp khiến anh nâng máy lên trong tích tắc nhưng rồi anh lại lặng lẽ hạ máy. Tận đáy lòng mình, anh có cảm giác sẽ nhẫn tâm, thiếu sót nếu chỉ ghi lại hình ảnh khốn khổ bề ngoài này. Và rồi sau một đêm thao thức cùng họ, nghe hết tâm sự của người cha, cảm được tiếng khóc cười, tiếng nghiến răng mê dại của cô gái, anh mới bấm máy. Đó là thời khắc bàn tay người cha ấm áp đỡ con, và một ánh mắt lóe sáng như tỉnh lại, cảm nhận được hạnh phúc của cô gái điên.
Bây giờ, dù bộ ảnh chưa hoàn tất nhưng Minh đã có rất nhiều tấm ảnh nhân bản như vậy. Hai bàn tay quơ quào, chới với, không mục đích của anh thanh niên Lê Đình Tùng bị tâm thần vì nhiễm chất độc da cam trong ảnh của Minh còn có ý nghĩa ẩn sâu hơn tả thực. Hình như đằng sau sự man dại, đôi bàn tay đó vẫn le lói bản năng sinh tồn, không hoàn toàn khuất phục số phận của con người... Nhói lòng hơn là tấm ảnh Minh chỉ chụp đặc tả một ánh mắt của nạn nhân chất độc da cam khuất sau gương mặt của mẹ. Minh chắc chắn đã nhìn rất lâu và suy tư, cảm thông trước con mắt mê dại đó để bất chợt tìm thấy ẩn khuất nét u uất, buồn tủi, trách cứ! Riêng tấm ảnh chụp ở Mỹ, người xem còn cảm được tấm lòng bao dung, rộng mở của Minh: một đứa bé tâm thần, bại liệt vì chất độc của chiến tranh được người mẹ âu yếm đẩy đi chơi công viên không chỉ thể hiện nỗi đau từ một phía. Mấy tháng sau ngày anh chụp, đứa bé vĩnh viễn ra đi. Người mẹ Mỹ đã khóc khi viết thư cho anh...
Mỗi chuyến đi, mỗi lần bấm máy nạn nhân chất độc da cam là mỗi kỷ niệm khó quên với Minh. Nhiều lần trở về, anh không còn đủ cả tiền xe vì đã chia sẻ cùng họ. Nhiều lần anh nâng máy lên lại phải hạ xuống vì mắt bị ướt đẫm, nhòe mờ... Anh cứ ngần ngừ không muốn kể lại những chuyện đó. Nhưng tôi hiểu không chỉ có đôi mắt nhìn mà còn phải có sự trải lòng để cảm nhận và cảm thông, Minh mới có thể chụp được những nỗi niềm sâu thẳm, những khổ đau khủng khiếp lẫn tia sáng, hạnh phúc mong manh như thế...
"Tùng không nói được, chỉ ăn uống một cách vô thức, nhưng tôi nhìn được trong đôi mắt của em vẫn còn sự tinh anh, và ánh lên một nỗi khát khao sống kỳ lạ của một con người bình thường. Có ai biết tôi cũng đã học được bao nhiêu bài học về cuộc sống từ trong những đôi mắt như vậy!". |
"Xong bữa cơm chiều, khi tôi đang ngồi nghe bác Lộc, cha của Tùng, kể về nỗi gian truân nuôi đứa con tật nguyền vì nhiễm chất dioxin thì đôi tay của em chới với trong không trung, và tôi hiểu ngay em đang muốn nói điều gì đó - có lẽ muốn cùng với cha phân bua điều gì đấy với tôi chăng? Lời kêu gọi hay giãi bày? Rồi tôi đọc được ở cử chỉ đó cả lời than van lẫn một sức mạnh muốn được sống của em". |
"Nếu như bạn chỉ có một con trai duy nhất để "nối dõi tông đường" ở tuổi 50...? |
"Sống gần những người tâm thần, có lẽ đôi mắt của họ dễ cho chúng ta cảm nhận hành động của họ nhất ngoài tất cả những điều vô thức khác. Tôi đã nhiều lần có cái cảm giác đó khi đến với những gia đình nạn nhân chất độc da cam. Và chỉ khi đến gia đình bác Tô Văn Mô ở Củ Chi, tôi mới ghi lại được khoảnh khắc của cái nhìn luôn ám ảnh tôi trong mỗi chuyến đi: ở đó có hai mẹ con - người con bị tâm thần, mòn mỏi, cô đơn trong căn nhà tranh nghèo nàn". |
"Hai cha con anh Nguyễn Văn Trác cười vui bỏ lại quá khứ đau khổ phía sau của một thời đạn bom chiến tranh. Nhìn bức ảnh này khó mà tưởng tượng được gia đình anh Trác có đến hai đứa con bị mù, câm và tâm thần. Người lính hậu cần dũng cảm năm xưa nay vẫn hăng say làm công việc tại địa phương. Tôi ghi ảnh hai cha con anh và thích cái cười đôn hậu của họ biết bao!". | "Khi tôi đến nhà gia đình anh Hùng ở tổ 24 đường Đề Thám, thị xã Thái Bình, cô con gái vừa trông chừng người anh tật nguyền cho mẹ đi làm vừa học bài, còn Huấn nằm liệt trên giường. Nét tươi vui hồn nhiên của em đã làm ngôi nhà tràn đầy sinh khí và đủ để tôi hiểu được rằng dẫu có bao khổ đau cuộc đời vẫn còn đáng sống biết chừng nào!". |
"Người mẹ Củ Chi làm y tá chiến trường năm xưa, nay đi thu mua ve chai có đồng nào hay đồng nấy để nuôi đứa con bị đày đọa xác thân vì chất khai quang. Bà cứ nói mãi với tôi: không biết kiếp trước mình có làm gì sai trái để ông trời phạt mình như thế này?". |
"Cậu bé Gregory và mẹ là Dr.Cheryl ở San Francisco đã chia sẻ với tôi nhiều lắm về công trình ảnh mà tôi đang thực hiện, cả ba chúng tôi đều muốn thảm cảnh như thế này thôi xảy ra bất kỳ nơi đâu trên thế giới còn đầy rẫy những bạo tàn đang xảy ra từng ngày. Buồn thay Gregory không còn nữa: em đã mất cách đây vài tháng vì di chứng của chất độc hóa học mà cha Gregory đã mắc phải trong cuộc chiến vùng Vịnh". |