Đi tìm “cái đẹp” từ ngọn nguồn lịch sử

NDO - “Lịch sử Cái Đẹp” của triết gia Umberto Eco là một công trình đồ sộ, nhưng đẹp và hấp dẫn đủ làm say lòng bất cứ độc giả nào mở cuốn sách ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn “Lịch sử Cái Đẹp”. (Ảnh: Nhã Nam)
Cuốn “Lịch sử Cái Đẹp”. (Ảnh: Nhã Nam)

Cuốn sách dày hơn 400 trang, với 200 bức tranh và tiểu họa, 50 tác phẩm điêu khắc cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang đã dẫn dắt độc giả đi trong một hành trình miên man vào những góc cạnh của cái đẹp từ ngọn nguồn lịch sử đến nay.

Không chỉ vậy, cuốn sách còn tổng hợp một khối lượng lớn những bài luận của Umberto Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù Cái đẹp từ nhiều góc nhìn nhất.

“Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở một góc phòng với một quyển sách mà thôi".

Đó là một trích dẫn trong tiểu thuyết nổi danh “Tên của đoá hồng”, một câu nói thể hiện chân thực cuộc đời đầy nhiệt huyết của Umberto Eco với mỹ học và sách. Ở đó, Eco đã “đi cùng khắp” và dày công sắp đặt nên một hành trình định nghĩa Cái Đẹp phi tuyến tính trong tác phẩm đồ sộ đầy thẩm mỹ mang tên “Lịch sử Cái Đẹp”.

Đi tìm “cái đẹp” từ ngọn nguồn lịch sử ảnh 1

Sách được minh họa bằng những tác phẩm hội họa tuyệt đẹp của nhiều bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới.

Cuốn sách đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ không chỉ với bạn đọc mà còn với cả các nhà nghiên cứu, vì sự công phu, dày dặn và Đẹp trong từng trang sách.

“Đọc “Lịch sử Cái Đẹp” khiến tôi cảm thấy giống như một mê cung” - Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý thừa nhận, rằng tác phẩm của Eco thực sự rất đồ sộ, phức tạp. Với ông, để đi trên hành trình tìm hiểu cái đẹp cùng cuốn sách, có hai từ khoá có thể giúp độc giả tìm được phương hướng trong mê cung ấy. Đó là “lịch sử” và “cái đẹp”. Đây chính là những “sợi chỉ đỏ” mà Eco dùng xuyên suốt trong tác phẩm của mình, cũng chính là những sợi chỉ tinh tế nhất mà độc giả có thể nắm lấy để từng bước khám phá thế giới mỹ học của Eco.

Đi tìm “cái đẹp” từ ngọn nguồn lịch sử ảnh 2

Bức "Chân dung phu nhân Racamier" của Jacques-Louis David, năm 1800, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. (Tranh minh họa trong sách)

Sợi chỉ đỏ thứ nhất là “lịch sử”, nhưng ở đây là lịch sử của học giả Umberto Eco - một lịch sử đặc biệt: phi tuyến tính, không cứng nhắc, không khép kín mà biến hoá linh động, đầy sức hút và thú vị.

Sợi chỉ đỏ thứ hai là “Cái Đẹp”. Đối với Eco, định nghĩa cái đẹp chưa bao giờ cố định và khuôn mẫu mà biến đổi theo thời gian và có tính tương đối. Từ đó, Eco cấu trúc “Lịch sử Cái Đẹp” bằng những bằng chứng nghệ thuật được người đương thời lưu giữ, phản ánh sinh động quan niệm cái đẹp của mỗi thời kỳ. Cấu trúc của cuốn sách dù đồ sộ nhưng tóm gọn lại bao gồm phần chính văn - lời dẫn giải của Eco, các hình ảnh minh hoạ tranh, tượng, ảnh kiến trúc và thứ ba là các văn bản mà Eco trích dẫn từ các tác giả khác.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên cũng cho rằng cuốn sách với cấu trúc hơn 250 hình tranh ảnh, tiểu hoạ, điêu khắc, kiến trúc sẽ khiến độc giả có nhiều hứng thú để tìm hiểu sâu thêm những tác phẩm mà Eco đã giới thiệu trong “Lịch sử Cái Đẹp”.

Còn đạo diễn Đỗ Văn Hoàng cho rằng, Umberto Eco muốn độc giả hiểu rằng cái đẹp không chỉ là tranh, điêu khắc, nhiếp ảnh hay điện ảnh, mà xuất phát từ những ý niệm ban sơ của con người về những điều tươi mới, vì từ đó ta mới có thể cho ra đời những thành tựu vô tiền khoáng hậu về nghệ thuật.

Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng cho rằng Umberto Eco đã dày công sử dụng sự thông tuệ của mình để lựa chọn và sắp đặt các ví dụ minh họa, gói trong đó là những bất ngờ thú vị cho độc giả của mình, khơi gợi trong tâm trí độc giả một quan điểm xuyên suốt: lịch sử không đông cứng, không cứng nhắc mà biến hoá vô cùng.

Đi tìm “cái đẹp” từ ngọn nguồn lịch sử ảnh 3

Một cuốn sách về một chủ đề hấp dẫn từ rất nhiều thế kỷ qua, nhưng nó không chỉ hàm chứa những câu chuyện về cái đẹp, mà còn chạm đến rất nhiều chủ đề thú vị xoay quanh nghệ thuật, phim ảnh, triết học và đặc biệt là quan điểm mỹ học. “Lịch sử Cái Đẹp” cũng đồng thời mang biểu hiện của cái đẹp khi được trình bày đẹp, với các trang đều in màu, đặc biệt có những bức họa khổ lớn của các danh họa được khai thác từ các bảo tàng nghệ thuật tên tuổi trên thế giới.