Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa lớn nên phần mái đình Hiển Lễ (tiền bái) đã bị sập, tuy không có thiệt hại về người, nhưng một số đồ dùng và bức hoành phi (cuốn thư) bị hỏng nặng, bát hương cổ có niên đại hàng trăm năm đã bị rạn nứt. Hiện toàn bộ đồ thơ, hiện vật trong di tích đã được di chuyển để bảo quản, các bức hoành phi, câu đối cổ có giá trị lịch sử và nhiều hiện vật quý vẫn trong tình trạng "màn trời chiếu đất" do chưa thực hiện việc hạ giải khiến việc bảo quản, lưu giữ các cấu kiện của di tích gặp khó khăn.
Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003, từ khi được công nhận xếp hạng đến nay đình chưa được cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo để tu bổ, tôn tạo. Phần lớn việc tu sửa những hạng mục bị xuống cấp đều do các các cụ và nhân dân trong vùng đóng góp để sửa mang tính chắp vá.
Nhiều hạng mục như mái đình, cột, kèo, thượng cân bị mục nát, vách ngăn bị mục nát, còn hậu cung của đình bị sập năm 1995 (trước khi được công nhân di tích 2003), năm gian đại bái của đình bị sập mất trươc năm 1960.
Đình bị xuống cấp người dân thôn Hiển Lễ đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng để xem xét tu tổ, tôn tạo lại di tích đình Hiển Lễ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có đồng ý chủ trương, tu bổ đình Hiển Lễ, xã Cao Minh, Phúc Yên và giao cho UBND thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên) làm chủ đầu tư Dự án tu bổ hậu cung đình Hiển Lễ; đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện tu bổ đình Hiển Lễ trong năm 2014 nhưng chưa thực hiện với lý do chưa bố trí được vốn để tu bổ tôn tạo.
Tới năm 2017, đại diện các cụ trong làng Hiển Lễ đã gửi đơn lên UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch báo cáo về việc xuống cấp của ngôi đình, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch cũng đã ra các văn bản để cứu đình cổ hơn 300 năm nhưng việc tu bổ tôn tạo di tích vẫn chưa được thực hiện.
Gần đây nhất, ngày 5-3-2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra công văn 1409/UBND – VX3 do ông Vũ Việt Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký về việc “Tu sửa, tôn tạo đình Hiển Lễ, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên” gửi đến các sở, ban, ngành, thành phố Phúc Yên, UBND xã Cao Minh. Trong đó, đồng ý chủ trương lập Dự án, tu sửa, tôn tạo đình Hiển Lễ bằng nguồn xã hội hóa, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Mong muốn để cứu đình Hiển Lễ mà cụ thể là cất giữ các hiện vật trong đình để không mất đi giá trị lịch sử vốn có đã gắn liền với đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã ký, gửi UBND thành phố Phúc Yên văn bản số 1018 ngày 21-10-2019, về việc hạ giải đình Hiển Lễ. Văn bản này của Sở lưu ý rất rõ “Trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, trường hợp di tích xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản, hiện vật, đồ thờ trong di tích, yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Phúc Yên hướng dẫn UBND xã Cao Minh có các biện pháp chằng chống, gia cố, gia cường để bảo vệ kết cấu kiến trúc gỗ của di tích, di dời di vật, cổ vật, hiện vật là đồ thờ và tài sản khác thuộc di tích đến nơi an toàn tránh thiệt hại cho di tích”. Tuy nhiên việc gia cố, chống đỡ, che đậy để tránh mưa, nắng ở đình Hiển Lễ vẫn chưa được thực hiện mà chỉ di chuyển các hiện vật di dời ở phần dưới đình vào khu nhà mái tôn trước đình.
Và những ngày gần đây, mưa lớn trên địa bàn đã làm trên 70% di tích bị sập đổ nguy cơ di tích biến thành phế tích là rất lớn. Trước cấp thiết này, ngày 24-9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã gửi công văn số 956/SVHTTDL – QLDS đến UBND tỉnh để sớm tu bổ đình Hiển Lễ. Nội dung “Việc tu bổ di tích đình Hiển Lễ đang xuống cấp nghiêm trọng là rất cấp thiết, đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Phúc Yên (chủ đầu tư) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và dự án tu bổ, tôn tạo đình Hiển Lễ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện tu bổ di tích theo quy định.
Gần 10 năm với nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cứu di tích đình Hiển Lễ có niên đại hơn 300 năm nhưng đình vẫn sập, di tích bị biến dạng nguy cơ thành phế tích. Bên cạnh đó, tình trạng mất trộm, thất lạc hiện vật quý khi hệ thống cửa, tường bao lỏng lẻo cũng đang hiện hữu.
Dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đều biết rõ thực trạng này nhưng gần chục năm qua, di tích cứ tiếp tục xuống cấp, còn người dân thì mòn mỏi mong chờ kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo.