Di tích tại Ðiện Biên bị xâm hại tràn lan

Mặc dù có nhiều di tích nổi tiếng, nhưng công tác quản lý của tỉnh Ðiện Biên còn nhiều hạn chế, khiến di tích chưa kịp phát huy giá trị đã bị xâm hại và đe dọa xâm hại nghiêm trọng.

Quán bia của doanh nghiệp tư nhân Phú Hưng hoạt động trong khu vực I di tích hầm Ðờ-cát nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận.
Quán bia của doanh nghiệp tư nhân Phú Hưng hoạt động trong khu vực I di tích hầm Ðờ-cát nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận.

Thực trạng đáng buồn

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Ðiện Biên, hiện toàn tỉnh có 21 di tích được công nhận xếp hạng. Trong đó, một di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là chiến trường Ðiện Biên Phủ; 12 di tích được xếp hạng quốc gia, gồm: thành Bản Phủ, tháp Mường Luân, thành Tam Vạn (hay thành Sam Mứn), động Pa Thơm, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh, hang động Xá Nhè, hang Thẳm Khương, hang động Há Chớ, hang động Chua Ta, hang động Khó Chua La, hang động Pê Răng Ky; và tám di tích cấp tỉnh, gồm: Di tích nhà tù Lai Châu, di tích Pú Nhung, thành Vàng Lồng, danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung, các di tích lịch sử dân quân Thanh An bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ, Pú Vạp, Xên Mường Thanh - Ðiện Biên và di tích lịch sử văn hóa Công trình đại thủy nông Nậm Rốm.

Ðể có nhiều di tích được công nhận xếp hạng, ngành VHTT và DL tỉnh đã nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tìm kiếm nhân chứng am hiểu về di tích để xây dựng hồ sơ, lý lịch; với mong muốn được góp sức làm "sống" lại di tích, để di tích phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhưng tiếc là sau lễ công bố, trao quyết định công nhận di tích không lâu thì nhiều địa chỉ nhanh chóng bị lãng quên, bị xâm hại và xuống cấp nhanh chóng. Di tích hang động Khó Chua La ở huyện Tủa Chùa còn bị xâm hại nghiêm trọng ngay trong quá trình địa phương thực hiện dự án đầu tư đường và các hạng mục thuộc di tích, khiến người dân địa phương bức xúc. Nguyên nhân là do cách làm chủ quan của ngành chủ quản, sự thờ ơ của chính quyền sở tại, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và cả sự nóng vội của đơn vị thi công. Theo Quyết định số 1073 (ngày 22-8-2016) của UBND tỉnh Ðiện Biên, dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La, hang động Xá Nhè đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Tháng 7-2017, UBND huyện Tủa Chùa với trách nhiệm chủ đầu tư đã đồng ý cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ánh thi công. Gần bốn tháng sau (tháng 11-2017), công trình phải tạm dừng thi công bởi cơ quan chức năng phát hiện "chưa xin ý kiến Bộ VHTT và DL". Cũng thời điểm đó, Sở VHTT và DL Ðiện Biên kiểm tra, phát hiện hơn 50% số nhũ đá của hang Khó Chua La bị phá hủy; hệ thống đường vào hang và nhà chờ khách đã xây dựng, đường lên hang đã thi công xong. Khu vực cửa hang bị đào sâu hơn 1,25 m, phá vỡ hiện trạng cửa hang ban đầu, không thể phục hồi. Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Ðiện Biên Ðào Ngọc Lượng đánh giá vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng, không thể phục hồi nguyên trạng. Nếu đập phá toàn bộ bê-tông, đường vào đã được thi công sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phần còn lại của hang động.

Trong khi chưa giải quyết xong sai phạm nêu trên, Sở VHTT và DL tỉnh lại liên tục nhận tin về tình trạng xâm hại các di tích khu vực Tượng đài kéo pháo ở xã Nà Nhạn, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, đồi Ðộc Lập (thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ). Mới đây nhất, thông tin về thực trạng khai thác cát làm ảnh hưởng Di tích quốc gia thành Tam Vạn ở xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên lại khiến lãnh đạo ngành văn hóa đau đầu. Ở địa bàn các huyện Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo, thị xã Mường Lay, hầu hết các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng chung cảnh quạnh hiu và xuống cấp từng ngày. Ðáng chú ý, di tích tháp Chiềng Sơ (xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông) bị sụt nền, đổ tường, cỏ mọc um tùm như "bãi hoang" mà đơn vị chủ quản cũng chẳng hay. Ðiều 2 của Quyết định số 58/2002/QÐ-UBND (ngày 24-9-2002) của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Ðiện Biên) khẳng định: "Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu, là tài sản quý giá của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung; là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Các cấp, các ngành và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ". Văn bản chỉ đạo là thế, song có những di tích đến thời điểm này dù mỏi mắt tìm cũng chả thấy đâu, như di tích cấp tỉnh nhà tù Lai Châu. Và rất nhiều hang động, sau khi lễ công bố xếp hạng được tổ chức hoành tráng xong lại trở thành điểm tụ tập hút chích ma túy của các con nghiện, như di tích cấp quốc gia hang Thẳm Khương, xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại Báo cáo số 1811/BC-SVHTTDL (ngày 16-10-2018), Giám đốc Sở VHTT và DL Ðiện Biên Phạm Việt Dũng thừa nhận thực trạng "di tích trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng". Theo ông, nguyên nhân là do số lượng di tích nhiều, phân bố trên phạm vi rộng ở nhiều địa phương nên công tác quản lý, phối hợp quản lý nhiều khó khăn; UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chủ động xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đã xếp hạng do địa phương quản lý, quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, cắm mốc bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Tại các điểm di tích, dân cư vẫn sinh sống trong khu vực bảo vệ của di tích nhưng chưa có kinh phí đền bù, giải tỏa. Với một số điểm di tích đã được cắm mốc, số lượng mốc giới mỏng, khoảng cách mốc giới xa, lại không được định vị vệ tinh cho nên xảy ra tình trạng người dân di chuyển mốc giới hoặc việc xác định mốc giới giữa đất di tích với đất ở còn khó khăn... Không hài lòng với cách lý giải "đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan và cho đơn vị khác", tại phiên chất vấn lãnh đạo ngành về nội dung này do Thường trực HÐND tỉnh Ðiện Biên tổ chức sáng 18-10 vừa qua, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Văn Hưng đặt câu hỏi: Di tích hầm Ðờ Cát có thuộc khu vực bảo vệ I theo quy định của Luật Di sản hay không? Cơ quan nào cho phép Doanh nghiệp tư nhân Phú Hưng làm nhà, mở hàng quán trong khu di tích? Thực tế, nhiều năm qua, những việc làm này của doanh nghiệp Phú Hưng diễn ra công khai mà ngành chủ quản là Sở VHTT và DL lại không hay biết? Ðể làm rõ nguyên nhân, thực trạng xâm hại di tích trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, rất cần câu trả lời khách quan, trách nhiệm từ những người làm công tác quản lý di tích.

Thực trạng xâm hại di tích ở Ðiện Biên, trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành VHTT và DL tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, khi Ðiện Biên luôn ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - du lịch, coi đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương thì công tác bảo vệ di tích trước nguy cơ bị xâm hại cần được hết sức quan tâm, để di tích không trở thành phế tích.