Di tích quốc gia Giếng cổ Gio An đang bị xâm phạm

NDO - Di tích quốc gia mang tên "Giếng cổ Gio An" là một hệ thống công trình dẫn thuỷ cổ làm bằng đá, nhằm khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và trồng trọt của người Việt cổ (có thể ra đời sau nền văn minh cự thạch vào những thế kỷ sau Công nguyên).
Hiện trường giếng cổ sau khi bị phá hoại.
Hiện trường giếng cổ sau khi bị phá hoại.

Cho đến nay, trong hệ thống các công trình dẫn thuỷ cổ Gio An vẫn còn giữ được một phần nguyên gốc; và nó đã trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học từ nhiều nước trên thế giới.

Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, Ban quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Trị đã thông báo cặn kẽ, kể cả chuyển giao đầy đủ bộ hồ sơ khoa học và pháp lý cho UBND xã Gio An, đồng thời cắm mốc chỉ giới khu vực cấm vi phạm và hướng dẫn chính quyền địa phương thông báo rộng rãi về di tích quốc gia.

Ngày 6-8-2005, từ tin báo của nhân dân, Ban quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị đã kịp thời có mặt tại hiện trường Giếng Máng tại thôn Long Sơn - Gio An (1 trong 14 giếng hiện hữu của di tích) - nơi đơn vị thi công đang dùng phương tiện cơ giới xâm phạm di tích.

Ngay lập tức, các ngành hữu quan ra lệnh ngừng thi công để xử lý. Đoàn kiểm tra liên ngành - do Sở Văn hóa - Thông tin thành lập - đã tiến hành kiểm tra hiện trường, sau đó kết luận: "Việc xây dựng công trình thuỷ lợi tại thôn Long Sơn đã vi phạm và làm tổn hại nghiêm trọng đến di tích Giếng Máng: Chủ công trình dùng phương tiện cơ giới để đào một đoạn dài 25m, rộng 1,4m - 1,8m, sâu 0,7m và đập vỡ đá nguyên gốc của kè mương và ruộng bậc thang cũ để dùng xây mương dẫn nước mới. Hậu quả là đã làm thay đổi hiện trạng, phá vỡ các yếu tố gốc của di tích, dẫn đến toàn bộ quy trình tưới tiêu, khai thác, xử lý nước cổ bị thay đổi".

Ngay trong ngày 8-8, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nguyễn Bình đã ký báo cáo "về việc vi phạm di tích hệ thống giếng cổ Gio An" cho rằng cần dừng ngay việc thi công phá hoại di tích đó, bàn biện pháp khắc phục, trả lại nguyên trạng cho di tích; và đề nghị UBND tỉnh "cho ý kiến chỉ đạo".

Thế nhưng, không hề nao núng, đơn vị thi công vẫn tiếp tục phá hoại di tích. Ngày 13.8, nhân dân lại tiếp tục điện báo cho Ban quản lý di tích. Biên bản vi phạm được lập với sự tham gia của nhiều ngành chức năng tại hiện trường ngày 13.8 ghi: "Qua kiểm tra thực tế và sự phản ánh của những người có mặt tại hiện trường, ông Hà Hắc Chiểu - Chủ tịch UBND xã Gio An - chỉ đạo tiếp tục thi công công trình thuỷ lợi đang vi phạm di tích".

Trong cuộc họp liên ngành đã được lên kế hoạch từ hai ngày trước - diễn ra tại trụ sở UBND xã sáng 15-8, vẫn tiếp tục không có mặt ông Chủ tịch UBND xã Gio An.

Bà Nguyễn Thị Quý - Bí thư Đảng ủy xã - nói: "Ngay trong ngày 8-8, Đảng ủy xã đã họp khẩn cấp và quyết định dừng ngay lại việc thi công thuỷ lợi vi phạm di tích giếng cổ. Nhưng rất đáng tiếc, ở thôn việc đó vẫn xảy ra. Việc làm đó là quá sai. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ thêm là công trình thuỷ lợi thôn Long Sơn được đầu tư từ nguồn vốn dự án, nhu cầu tưới tiêu của bà con là rất bức xúc, thiết thực. Nhận thức và quan niệm về di tích của chúng tôi có phần đơn giản...".

Kiểm tra của các ngành chức năng khẳng định, cho đến ngày 15-8, chính quyền địa phương vẫn không trưng ra được những hồ sơ pháp lý của công trình thuỷ lợi thôn Long Sơn. Tận mắt nhìn thấy những tảng đá mồ côi tròn, đẹp của mương dẫn nước cổ bị đập vỡ để lát mương, không một ai trong đoàn kiểm tra kiềm chế được sự tức giận đối với những kẻ đang tâm phá hoại di tích.