Sự kiện này mang đến cho người dân Bắc Ninh nói riêng, đồng bào cả nước nói chung niềm vui, niềm tự hào dân tộc, đồng thời đặt ra nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi trách nhiệm hết sức lớn lao của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc trước đây được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, nơi đây đã hội tụ, sản sinh ra dân ca Quan họ Bắc Ninh - một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Mỹ học trong dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa người với người thông qua thái độ tôn trọng nghĩa tình và lòng thủy chung son sắt. Trong quá trình hình thành và phát triển, với sự sáng tạo tài tình, khéo léo của các nghệ nhân, dân ca Quan họ Bắc Ninh đã tiếp thu và phát triển trên nền tảng của nhiều loại hình dân ca khác để tạo nên một phong cách, một lối chơi đặc trưng riêng của dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Sinh hoạt dân ca Quan họ Bắc ninh đòi hỏi tính chất quy củ, khuôn phép chặt chẽ, tuân theo lề lối nhất định thông qua nhiều hình thức diễn xướng như: Hát canh, hát hội, hát chúc, hát mừng, hát thờ... Trong đó, hát canh và hát đối đáp là hai hình thức đặc trưng tiêu biểu và độc đáo của dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá nét độc đáo của dân ca Quan họ Bắc Ninh là truyền thống ứng tác nơi trình diễn. Trên các lời ca cũ, các liền anh, liền chị Quan họ có thể ứng tác đặt lời để đối giọng, đối nghĩa. Với 213 giọng (điệu) khác nhau, dân ca Quan họ Bắc Ninh có tổng số giọng (điệu) cao nhất trong các loại hình dân ca Việt Nam.
Về phương diện bài ca, giới sưu tầm, nghiên cứu và cộng đồng các làng Quan họ xác nhận có chừng 400 bài ca. Lời một bài có hai phần: Lời chính và lời phụ. Lời chính là cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, thường được sử dụng chất liệu của ca dao, thơ lục bát, dựa trên các điển tích, điển cố cho nên rất trau chuốt, tinh tế. Lời phụ là tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i, hi, ư, hư la, v.v... Những lời phụ, tiếng phụ bên cạnh những lời chính, tiếng chính nhằm làm cho tiếng hát trôi chảy, bổ sung ý nghĩa cho lời ca chính, làm cho lời ca thêm phong phú, linh hoạt, tăng cường tính nhạc của bài ca.
Quyết định số 4. COM 13.76 - Ủy ban Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã ghi: "Các bài Quan họ thể hiện tinh thần, triết lý và bản sắc địa phương của cộng đồng ở trong vùng, thắt chặt mối quan hệ ở trong làng và giữa các làng cùng chia sẻ thực hành diễn xướng văn hóa này".
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là sự sáng tạo nghệ thuật trong việc xử lý quan hệ giữa âm nhạc và ca từ, Quan họ Bắc Ninh là loại câu ca nhiều làn điệu (chữ dùng của người Quan họ xưa là "nhiều giọng"). Mỗi một giọng (giai đoạn âm nhạc) đều có lời ca riêng phù hợp. Giữa nhạc và lời gắn bó hữu cơ với nhau, lời chính là nhạc. Với việc sử dụng bốn kỹ thuật hát: Vang, rền, nền, nảy, dân ca Quan họ Bắc Ninh đã đạt đến độ nhuần nhuyễn theo những quy chuẩn nhất định.
Ðặc trưng tiêu biểu nhất của dân ca Quan họ Bắc Ninh là hát đối đáp nam, nữ, một cặp nam hát đối với một cặp nữ. Mỗi cặp nam hay nữ phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người trong một cặp hát phải hòa âm, đồng thanh để nghe như một (tuy hai mà một). Trong hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia bằng một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Các bài ca Quan họ Bắc Ninh là những bài ca với một chủ đề: Tình yêu nam nữ, những lời ca mộc mạc, trữ tình, đằm thắm, gắn với không gian của đồng quê, lễ hội. Vì thế, bao đời nay, những bài dân ca Quan họ luôn cuốn hút và làm say đắm lòng người. Nỗi buồn man mác sâu lắng khi chia xa, nỗi vui mừng khôn xiết, sự thổn thức của con tim khi được gặp lại nhau sau thời gian xa cách thể hiện trong các lời ca Quan họ Bắc Ninh luôn chinh phục trái tim các thế hệ con người.
"Việc ghi danh Di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh vào danh sách đại diện sẽ đóng góp vào việc bảo đảm tầm nhìn và nhận thức về truyền thống âm nhạc ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế, phát huy hội nhập xã hội và đẩy mạnh mối giao lưu giữa các vùng, đối thoại văn hóa và tôn trọng sự đa dạng" (1).
Ðể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những giá trị đặc sắc và độc đáo của dân ca Quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ðặc biệt coi trọng vai trò truyền dạy của nghệ nhân, các nhu cầu sinh hoạt văn hóa Quan họ trong cộng đồng nên tỉnh đã ban hành quy định về hình thức công nhận và tôn vinh các nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng; chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ như liên hoan, hội thi, hội diễn... từ cơ sở đến tỉnh; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước nhằm định hướng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những cái hay, cái đẹp của di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh, giữ gìn những giá trị nhân văn truyền thống vốn có trong sinh hoạt văn hóa Quan họ nói chung và dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng.
Tỉnh sẽ xây dựng các dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các không gian, những di tích lịch sử văn hóa, các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán... trong các cộng đồng - nơi đã từng là môi trường, là không gian sản sinh và gắn kết với sự trường tồn của dân ca Quan họ; tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm về những giá trị nhân văn đặc sắc và độc đáo trong dân ca Quan họ Bắc Ninh tới đông đảo công chúng, đặc biệt là các thế hệ trẻ - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ. Ðối với đoàn nghệ thuật truyền thống, tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Ðoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh để làm nòng cốt trong các hoạt động thể nghiệm, trình diễn, giới thiệu dân ca Quan họ Bắc Ninh với công chúng; nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Nhà hát Quan họ nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, thể nghiệm và quảng bá về dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh là bảo tồn các yếu tố gốc như các bài ca Quan họ cổ, các hình thức sinh hoạt Quan họ, hình thức diễn xướng truyền thống, phong tục, tập quán... đồng thời cũng trân trọng các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng của dân ca Quan họ Bắc Ninh phù hợp với nhịp sống đương đại, được cộng đồng thừa nhận, tạo nên sức sống mới cho dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ðó chính là sự cam kết của cộng đồng để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới - "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" trường tồn và lan tỏa.
_____________
(1) Quyết định số 4.COM 13.76 - Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.