Những hiện vật quý giá
Có thể thấy ở đây Đầu tượng Phật Đồng Dương, tượng Bồ tát thuộc văn hóa Chăm pa, các chuông đồng thế kỷ 9-10, tượng Kinnari, tượng Phật bằng gốm, đất nung thời Trần, tượng Phật đồng thời Lê sơ, đặc biệt là chuông đồng, trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.
Những tượng Phật bằng gỗ thời Lý Trần vẫn còn nguyên vết sơn son cổ kính, hay những chuông đồng, khánh đồng, trống đồng thời Lê, Nguyễn với những hoa văn tinh xảo, có thể nói là mỗi hiện vật ngoài ý nghĩa tâm linh còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Những chân đèn, lư hương Lê Trung Hưng -Mạc có thể cho thấy cả thông tin về người chế tác, đơn vị đặt hàng cung tiến, thời gian chế tác…
Đặc biệt, hệ thống ảnh tư liệu khoa học phụ trợ cho thấy nhiều di sản Phật giáo đã mất, hết sức quý giá như ảnh Chùa Dâu đầu thế kỷ 19, ảnh những tượng Tứ Pháp, Khâu Đà La, Phật mẫu Man Nương, ảnh các chùa ở miền bắc mà hầu hết đều đã được (bị) trùng tu, thay đổi, ảnh những pho tượng Phật đã bị mất…
Với 2000 năm Phật giáo du nhập và phát triển ở Việt Nam, thì việc trưng bày một phần nhỏ di sản ấy đã là sự lựa chọn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những hiện vật có tại trưng bày này, chủ yếu khai thác từ kho tư liệu hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Khó có thể nói đây là bộ sưu tập đầy đủ và hệ thống di sản Phật giáo Việt Nam, bởi tính chất tâm linh, những hiện vật giá trị còn nằm trong hệ thống di tích, chùa chiền, không thể nào lấy ra khỏi nơi thờ tự để mang về phòng triển lãm. Chưa kể, một số lượng khổng lồ các hiện vật, bảo vật theo thời gian, điều kiện chiến tranh ly tán, chùa chiền bị đốt, bị phá, đã bị mất rất nhiều. Chẳng hạn bộ Tứ đại khí nổi tiếng thời Lý Trần đã bị quân Minh xâm lược tàn phá ở thế kỷ XV.
Một lịch sử Phật giáo xuyên suốt
200 hiện vật, tài liệu được trưng bày theo cái nhìn lịch đại cho thấy một lịch sử Phật giáo xuyên suốt trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, và trong gần 2000 năm qua Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm mỹ thuật đặc sắc như tượng, tranh, đồ thờ cúng, nhạc khí, cùng hệ thống nghi lễ, âm nhạc, văn học mang giá trị tư tưởng, văn hóa.
Ngay trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Phật giáo Ấn Độ đã tạo đà cho việc hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu, lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Cho đến thời Lý - Trần, Phật giáo đã phát triển cực thịnh và ăn sâu vào tư tưởng, hoạt động của triều đình, được coi là quốc giáo. Đặc biệt, cũng trong thời Lý - Trần, xuất hiện dòng Thiền Việt Nam- Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khai mở.
Qua thời Lê cho đến thời Nguyễn, một khối lượng đồ sộ di sản văn hóa Phật giáo đã được để lại. Hàng nghìn ngôi chùa được trùng tu, xây dựng, cùng theo đó là hệ thống tượng, tranh thờ, đồ thờ, kinh Phật được in khắc trên nhiều chất liệu độc đáo.
Tuy chỉ là một phần rất nhỏ trong khối di sản văn hóa Phật giáo tích luỹ hơn hai nghìn năm tại Việt Nam, nhưng cũng có thể cho thấy dấu ấn văn hóa dân tộc. Đó là sự khiêm cung, giản dị nhưng tinh xảo, vi tế và sự hài hoà, cân đối. Đặc biệt phải đặt hiện vật vào trong không gian tâm linh, cảnh quan chung mới thấy hết giá trị văn hoá, mỹ thuật của các hiện vật.