Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ Đồng Hới, trung tâm tỉnh Quảng Bình - nơi cửa ngõ chi viện cho tiền tuyến miền nam, khu tập kết chiến dịch và vùng tập kết chiến lược hậu phương đối với chiến trường. Dưới tán rừng Trường Sơn, chúng tôi đã đi qua hai nhánh đông Trường Sơn và tây Trường Sơn, tuyến đường 20 Quyết Thắng, đường 12A “lật cánh” sang nước bạn Lào rồi trở về đường 15 - cung đường lửa đạn năm xưa để tìm lại quá khứ hào hùng và tri ân sự hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ.
Cầu Cha Quang - "tọa độ lửa" đánh bom của Mỹ một thời.
Với hơn 600 km trên năm trục dọc ngang của hệ thống đường Trường Sơn, chúng tôi đã đi qua hai bến phà lịch sử, hàng chục đèo dốc, những cầu, những khe, những ngầm nổi tiếng với túi bom, tọa độ lửa thời chiến tranh.
Chúng tôi đi qua những địa danh thời chiến tranh gọi là “trọng điểm” như cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, từ Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh qua đồi Cha Quang đến Cổng Trời, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến bên kia biên giới nước bạn Lào. Mỗi địa danh đều là một di tích, thấm máu của bao anh hùng liệt sĩ. Các đường dọc, ngang trong hệ thống đường mòn Trường Sơn mà chúng tôi rong ruổi trong suốt hai ngày, là những tuyến đường mà thế hệ cha anh đã đi suốt gần 20 năm chiến tranh, đi bằng máu xương, bằng “tuổi 20 không tiếc đời mình”, gửi lại bao nhiêu ước mơ nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ.
Thời gian ngắn ngủi trong hai ngày, chúng tôi đã đi qua đoạn đường mà suốt 16 năm chiến tranh, để mở đường và giữ đường, có những người chỉ đi được một khúc là tan xương nát thịt, những người đi một lần rồi mãi mãi không quay về.
Bây giờ, đường Trường Sơn rừng đã lên xanh, đường đã mở rộng, lát nhựa phẳng lì, ngày đêm xe qua như dòng chảy ồn ào cuốn về phía trước.
Bây giờ, con đường lịch sử bi hùng ấy đã trở thành tuyến đường giao thông quan trọng, là huyết mạch phát triển kinh tế, tuyến đường xuyên Á, là con đường xuyên Việt ngắm cảnh, thăm thú và trải nghiệm hấp dẫn... song mấy ai còn biết, còn nhớ, những câu chuyện của Trường Sơn thời đạn bom…
Cầu Trạ Ang.
Bàn tay còn vương mùi thi thể đồng đội
Bà Trần Thị Thành ngồi giữa ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều chuyển dần về tối, trong ngôi nhà ở phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm nơi “tọa độ lửa” Bãi Dinh, Khe Cấy, Đồi 37. Hai bàn tay bà chấp chới về phía trước, gương mặt xám ngắt khi nhớ lại những giây phút bới tìm đồng đội bị bom vùi lấp dưới lớp đất đá.
“Sau trận ném bom ác liệt vào đêm 3-7-1966, tám anh chị em bị vùi trong đất đá. Đầu tiên, chúng tôi bới tìm được em Đinh Xuân Thành, ba ngày sau tiếp tục đào thì tìm thấy em Cao Thị Thường bị vùi lấp trong tư thế nghiêng người, tay vẫn cầm cái xẻng. Việc tìm thấy em ấy cũng rất lâu. Bom ngừng nổ, chúng tôi đi tìm khắp nơi nhưng đất đá đổ vùi nhiều quá. Tôi bảo đồng đội là phải đi xem chỗ nào có lằng (nhặng - PV) bâu thì đào lên, y rằng đúng là em nằm ở đấy. Khi thấy em rồi thì không đào nữa mà dùng tay bới để không chạm vào thân thể em. Khi bới được ít đất ra thì tôi thấy em đã bị gãy cổ, nên hai tay tôi đỡ lấy cái cổ của em để cho đồng đội bới tiếp. Một lúc thì bom lại thả, chúng tôi lại lui vào nấp, tạm lấp chờ bom ngớt thì bới tiếp. Rồi cũng lấy được em nguyên vẹn, mang về lấy xăng tắm rửa. Cho đến lúc này, ngồi đây, tôi vẫn như ngửi thấy cái mùi thi thể em Thường trên tay tôi”…
Bà Trần Thị Thành nghẹn ngào kể về giây phút đào đất, đá để tìm đồng đội.
Từ năm 1965 đến 1968, bà Trần Thị Thành là Đại đội phó và sau đó là Chính trị viên Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 759 - đơn vị được phân công bảo đảm thông suốt 10 km đường 12 A đoạn từ Khe Cấy lên Bãi Dinh. Cô gái tuổi 20 Trần Thị Thành khi ấy vừa mất người yêu là bộ đội hy sinh ở chiến trường, cùng đơn vị TNXP hành quân từ quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình lên Khe Cấy, chặt cây dựng lán, đào hang đào hầm trú ẩn trong rừng sâu. Áo quần, lương thực, nước sinh hoạt đều thiếu thốn. Khí hậu, thời tiết núi rừng khắc nghiệt.
Nhưng tất cả mọi gian lao đều không phải là điều khiến bà Thành nhớ ám ảnh về sau. Mà là những lúc người còn sống đi tìm những người bị bom vùi. Bà cũng mất người em gái Trần Thị Thế ở cung đường này, người em xinh đẹp theo chị lên rừng khi mới 15 tuổi. Trong ba năm, đại đội của bà mất 16 người, bộ đội công binh mất 11 người. Có những đồng đội của bà phải “hy sinh hai lần”. Trận ném bom vùi lấp tám người, chỉ tìm được hai thi thể, đơn vị phải tạm lấp đường để thông xe, nhiều ngày sau, thậm chí đến nhiều năm sau mới tìm được hài cốt các TNXP đã hy sinh để đưa về quê.
Và cô gái ngồi trên bom nổ chậm
Ngày hôm nay đi dọc tuyến đường Khe Ve, Bãi Dinh, Khe Cấy, đồi Cha Quang (tức Đồi 37 - nơi bà Thành cùng đồng đội trải qua những năm tháng đạn bom ác liệt), chúng tôi dường như còn thấy, nền đất của con đường ngày xưa, mố cầu từng bị bom cả trăm lần đánh sập, tảng đá nơi các nữ TNXP thường hong phơi áo quần… Rừng đã lên xanh, hoa dại nở thắm từng vạt rừng và nhìn ra xa đỉnh Giăng Màn hùng vĩ bao la mây phủ. Từng hàng xe tải nối nhau chạy từ cửa khẩu nước bạn về và ngược lại.
Dường như sau 51 năm khi rời trận địa Khe Cấy - Đồi 37 về xuôi, bà Thành vẫn chưa bao giờ nguôi quên mùi đạn bom khói lửa của những năm tháng tuổi trẻ gian khó nơi rừng thiêng nước độc ấy. Bà không nói nhiều về sự dũng cảm gan dạ của mình, song những cựu TNXP C759 thời ấy còn kể mãi câu chuyện cô gái ngồi trên quả bom nổ chậm để đồng đội san lấp hố bom kịp thông đường cho xe qua.
Đội 15 thanh niên xung phong mở đường Quyết Thắng. (Ảnh: Tư liệu)
Cô gái ấy chính là Trần Thị Thành, khi đó là Chính trị viên C759. Trong một đợt giặc rải thảm bom từ trường, một quả rơi trúng giữa lòng đường và chưa nổ. Chung quanh là những hố bom băm nát đoạn đường ngổn ngang và ngay khi đó có lệnh phải thông đường gấp để kịp cho một đoàn xe quan trọng đi qua. Vì còn một quả bom chưa nổ nằm lún xuống nền đường trong khi thời gian tính từng phút. Để canh chừng cho đồng đội yên tâm hối hả san lấp mặt đường, người chính trị viên Trần Thị Thành đã ngồi lên quả bom để nghe ngóng… Đường đã kịp san và xe kịp qua trước khi quả bom phát nổ.
Khi chúng tôi hỏi, sao có thể ngồi trên quả bom chưa nổ mà không sợ, bà Thành bảo : "Bom nổ chậm là nó hẹn giờ. Khi mình đứng gần nếu nghe tiếng con ruồi xè xè bên trong là quả bom hoạt động chuẩn bị nổ. Khi đó mình sẽ báo cho đồng đội chạy đi". Tôi hỏi, vậy chạy có kịp không, bà chỉ cười, “không kịp thì chết có chi mô, đồng đội khi đó ai cũng rứa cả”…
(Còn nữa)