Đến trường bằng... lưng mẹ

NDO - Một lần tình cờ, tôi được các thầy, cô giáo Trường đại học Quảng Bình kể về tấm gương giàu nghị lực. Đó là em Nguyễn Văn Thắm, sinh viên lớp Công nghệ thông tin k64, dù mang trong mình căn bệnh nặng, thậm chí không thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân nhưng vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00

12 năm đi học và bây giờ là sinh viên, Thắm luôn được mẹ cõng, dìu đến trường. Người phụ nữ tảo tần ấy nuôi đứa con tật nguyền với một nghị lực phi thường và niềm yêu thương vô bờ bến.

Con vào lớp, mẹ đợi dưới gốc cây

Năm học này, Trường đại học Quảng Bình đón một tân sinh viên ngành công nghệ thông tin có mẹ đi học cùng. Đó là em Nguyễn Văn Thắm, sinh năm 2003, ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Việc đồng hành của người mẹ cùng Thắm từ ký túc xá đến giảng đường thật ra là để hỗ trợ em, chứ không phải đến học cùng con.

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 1

Người mẹ đơn thân kể về hành trình chữa bệnh và cõng con đến trường trong 12 năm qua.

Chưa đến 60 nhưng trông bà Tạ Thị Hồng, mẹ của Thắm khắc khổ và già hơn tuổi. Bà kể về hoàn cảnh mình với 2 hàng nước mắt: năm 37 tuổi, bà có thai Thắm. Đó là kết quả của mối tình với một người con trai trong làng. Thế nhưng, khi nghe người yêu có thai, người đàn ông kia đã bỏ mặc. Bà Hồng đành quyết ở vậy nuôi con.

Quá trình thai nghén, sau những lần siêu âm, biết đứa bé trong bụng bị bệnh bẩm sinh nặng nhưng bà Hồng nhưng không nỡ bỏ con, vì theo bà, đứa bé không có tội. Biết trước và chấp nhận mọi chuyện, bà Hồng đã nhẫn nại, âm thầm vượt qua khó khăn, thành chỗ dựa và là nguồn sống cho con.

Khi sinh ra, đầu Thắm to, không lanh lợi những đứa trẻ bình thường, có đủ chân tay nhưng lại không cử động được. Bác sĩ nói em bị bệnh não úng thủy bẩm sinh. Người mẹ đơn thân ấy đã phải bán tháo hết những gì mình có và vay mượn thêm nhiều nơi để đưa con đi điều trị bệnh từ bệnh viện đến cơ sở y tế. Cuộc sống luôn trong cùng cực.

“Bác sĩ nói, bệnh bẩm sinh của cháu không thể chữa khỏi mà chỉ ổn định được thời gian là phải đến điều trị lại, tốn nhiều tiền và mất nhiều thời gian, đặc biệt là luôn phải có người ở bên để giúp Thắm trong sinh hoạt cá nhân”, bà Hồng trải lòng.

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 2

Bỏ việc làm thuê, bà Hồng đi theo để chăm sóc con trai bị bệnh bẩm sinh như đứa trẻ tập đi.

Bệnh tình Thắm tạm ổn, bà Hồng bồng con về ở trong ngôi nhà cũ của bố mẹ để lại. Mọi hành động, cử chỉ của Thắm rất yếu ớt nên luôn cần sự trợ giúp của mẹ.

Năm Nguyễn Văn Thắm vào lớp 1, cũng là thời điểm đánh dấu chặng đường đồng hành gian nan cùng con đến trường của bà Hồng. Đặt Thắm ngồi lên yên xe đạp rồi dùng chiếc đai buộc chặt 2 mẹ con để không bị rơi, bà Hồng ngồi sau phoóc-ba-ga đạp xe đưa con đến lớp. Tới cổng trường, tháo đai, bỏ xe đạp lại, bà cõng con vào lớp rồi quay sang xin bác bảo vệ cho ngồi dưới gốc cây để hỗ trợ khi Thắm cần đi vệ sinh hoặc các nhu cầu cá nhân khác.

Ngày mưa gió, bà xin vào đứng đợi bên hành lang lớp để giúp con khi cần và cõng con về lúc tan học. Ngay cả việc đi chăn bò, bà Thắm cũng phải chở con theo trên chiếc yên xe đạp, ra đến bãi cỏ, bà chọn chỗ đất bằng phẳng đặt con ngồi chơi, mắt không nỡ rời con.

Khi Nguyễn Văn Thắm lên 10 tuổi, bệnh trở nặng, bà Hồng tất tả vay tiền rồi đưa con đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Ra viện, các bác sĩ giới thiệu cho bà Hồng đưa con sang làng Hòa Bình ở Huế để tập vật lý trị liệu, hồi phục chức năng. Nhờ vậy, chân tay em dần cử động được. Thắm cầm, nắm được một số vật dụng nhỏ và lẫm chẫm tập đi trong sự dìu dắt của mẹ. Bà Hồng đã phải quay mặt đi để lau dòng nước mắt hạnh phúc.

Đồng hành cùng con khi còn có thể

Dù mang trong mình căn bệnh bẩm sinh quái ác, song may mắn là Thắm vẫn tư duy tốt, nắm vững được kiến thức đã học và tiến bộ từng ngày.

Bà Hồng bỏ việc làm thuê để chăm sóc con đi học. Tại Trường THCS Quảng Phương và tiếp đó là Trường THPT Nguyễn Bình Khiêm, thầy cô giáo và các bạn học sinh quá quen với cảnh 2 mẹ con bà Hồng cùng đi học: con trước, mẹ sau trên chiếc xe đạp cũ, cho dù trời nắng hay ngày mưa trên chặng đường dài gập ghềnh đến trường.

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 3

Sinh viên Nguyễn Văn Thắm trong giờ học.

Kiên trì và nỗ lực vượt khó, năm học vừa qua, Nguyễn Văn Thắm trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của một trường đại học tại thành phố Đà Nẵng. Vỡ òa trong niềm vui sướng khi con trúng tuyển đại học nhưng vì không có tiền đi học xa, bà Hồng đưa con nhập học tại Trường Đại học Quảng Bình với hy vọng nhận được trợ giúp của trường và cộng đồng.

Giảng viên Nguyễn Nương Quỳnh, Khoa Kỹ thuật-Công nghệ thông tin Trường đại học Quảng Bình, trực tiếp giảng dạy em Nguyễn Văn Thắm chia sẻ, sau 3 tuần học vào học, Thắm học bình thường tuy có biểu hiện là việc tiếp cận bài học của em có chậm hơn các bạn chút ít. Có hôm Thắm mệt xin giảng viên nghỉ 1 buổi nhưng vẫn chủ động xin bài vở để tự học ở nhà.

Chia sẻ với khó khăn của sinh viên đặc biệt này, Trường đại học Quảng Bình quyết định miễn học phí dài hạn và miễn tiền ký túc xá cho em. Mẹ con Thắm còn được ưu tiên ở phòng riêng để thuận lợi trong sinh hoạt. Hằng ngày, bà Hồng lên lớp cùng con và luôn có mặt ở ngoài phòng học để giúp Thắm khi cần thiết.

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 4

Dù mang trong mình căn bệnh bẩm sinh khó chữa, nhưng khuôn mặt của sinh viên Nguyễn Văn Thắm luôn toát lên nghị lực vượt khó trong học tập.

Buổi chiều, tôi đến thăm mẹ con Thắm trên tầng 2 ký túc xá, thấy em đang mở máy tính thao tác bằng đôi tay có phần chậm, song gương mặt tươi vui, Thắm lễ phép mời tôi ngồi xuống.

Thắm đưa bàn tay phải run run lần ra phía sau gáy nói: “Phía sau đầu em còn 1 ống nhỏ được bác sĩ nối vào não để dẫn dịch thủy trên não xuống bàng quang, cho nên hiện tâm trí em bình thường. Khi nào đầy nước, cái đầu khó điều khiển được thì em phải vào viện để tháo bớt nước từ não đi. Mẹ là đôi chân, là nguồn sống của em nên cũng phải nén đau để vượt qua khó khăn bệnh tật, học tập tốt”.

Ngồi lấy khăn lau mặt cho Thắm, bà Hồng tâm sự: “Do bệnh não úng thủy bẩm sinh nên cháu không thể ăn được cơm mà phải đút cháo từ khi sinh ra cho đến giờ. Bệnh tình không khỏi nên chân tay của Thắm gần như bị liệt, không tự làm vệ sinh cá nhân được mà mẹ phải hỗ trợ. Vì thế, tôi luôn có mặt bên con, không rời nửa bước, kẻo lỡ xảy ra điều gì thì tội cháu lắm!"

Bà Hồng chia sẻ thêm, hiện, nguồn thu nhập chính hằng tháng của mẹ con là 540.000 đồng, tiền hỗ trợ người khuyết tật của Thắm và 500.000 đồng/tháng của một đơn vị hảo tâm tặng. Thương hoàn cảnh 2 mẹ con, nhiều quán hàng ở quanh trường gọi bà đến phụ việc để trả tiền, cho thức ăn nhưng bà không thể rời Thắm hơn 30 phút được, bởi lỡ ngã ra thì hậu quả khôn lường.

Câu chuyện của tôi với bà Hồng phải dừng lại vì mẹ con bà chuẩn bị lên giảng đường. Bà vừa bỏ chiếc máy tính vào cặp rồi đeo vào lưng thì 2 sinh viên bước vội vào phòng để cõng Thắm lên lớp học.

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 5

Nguyễn Văn Thắm được bạn sinh viên người Lào Sevaphom Chanthakone cõng lên giảng đường.

Bà Hồng cho biết, đó là 2 sinh viên người Lào cùng lớp Thắm, tình nguyện hằng ngày cõng Thắm từ ký túc xá đến giảng đường. Một cậu dáng vẻ to cao, trắng trẻo ghé lưng nhẹ nhàng cõng Thắm lên, cậu còn lại đỡ phía sau vì đôi tay em không thể bấu chặt vào người cõng được.

Sevaphom Chanthakone, sinh viên đến từ thành phố Vientian (Lào), bạn cùng lớp với Thắm cho biết: "Tấm gương vượt qua nỗi đau bệnh tật để bước chân vào trường đại học của Thắm đã lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp, nghị lực vượt khó không chỉ sinh viên Trường đại học Quảng Bình, trong đó, có các lưu học sinh Lào. Vì thế, em tình nguyện hỗ trợ bạn một phần để vượt qua khó khăn ấy".

Đến trường bằng... lưng mẹ ảnh 6

Đến lớp rồi...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình chia sẻ: “Với sinh viên đặc biệt như Nguyễn Văn Thắm, chúng tôi luôn hỗ trợ và dành những gì tốt nhất để mong em vượt qua khó khăn của bệnh tật, thành người có ích cho xã hội, ít nhất là giúp bạn có được nghề nghiệp, công việc sau này. Hành trình này còn rất dài và không ít chông chênh, vì thế mong các nhà hảo tâm, cộng đồng giúp đỡ để mẹ con người sinh viên giàu nghị lực này vượt qua trở ngại, vững tin vào tương lai tươi sáng hơn”.

Trong ánh chiều nắng xiên qua tán cây trong ký túc xá, bóng liêu xiêu của người mẹ gần 60 tuổi hằng ngày đến giảng đường cùng con, chăm cho đứa con trai sinh viên gần 20 tuổi như đứa trẻ tập đi càng thấy cảm thương hơn.