1/Ngược quốc lộ Hồ Chí Minh, qua cầu Rộ, chúng tôi về vùng đất cách mạng Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Võ Liệt xưa nổi danh với tiếng trống Xô Viết năm 1930-1931, nay lại nổi tiếng vùng đất học khi có nhiều học sinh ở “trường làng” - THPT Đặng Thúc Hứa đạt điểm cao trong kỳ thi THPT năm 2022. Nổi bật nhất là lớp 12C. Lớp có 46/47 em có điểm khối C từ 21 điểm trở lên; trong đó có 26 em đạt 25 điểm; 14 em đạt 27 và 28 điểm trở lên. Toàn trường có sáu điểm 10 môn Lịch sử thì lớp 12C có bốn em… Hầu hết học sinh lớp 12C đều là con em nông dân, nhiều em có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Tâm, chủ nhiệm lớp 12C nhớ lại: Bước vào lớp 12, tất cả học sinh trong lớp đều đặt quyết tâm thi đậu các trường đại học. Trong lớp có em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe kém nhưng vẫn quyết vượt lên chính mình. Đơn cử như em Nguyễn Văn Cường, tuy sức khỏe yếu những đã nỗ lực trong học tập, khi đạt giải nhất, giải nhì học sinh giỏi tỉnh cả ba môn, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Cường đạt 28,75 điểm. Với khí thế học tập sôi nổi, nhiều em ở các lớp, các khối khác đã xin chuyển vào lớp 12C cũng đạt điểm số cao như: Phạm Văn Đức 28,75 điểm; Phạm Thị Hiếu và Lê Thị Quý đều 28,25 điểm...
2/Ngược lên vùng quê cách mạng “Xích vệ đỏ” Anh Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi một lớp học ở Trường THPT Anh Sơn 1 có 40/44 em học sinh đạt điểm 9 trở lên môn Ngữ văn. Đó là lớp 12D1. Lớp có 44 em học sinh, thì phần nửa là con nông dân đến từ 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện miền núi Anh Sơn. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, lại ở xa trường, đi lại khó khăn, phải ở trọ, nhưng bù lại các em rất chịu khó, chăm chỉ phấn đấu học tập. Trong năm học 2021-2022, lớp đã có 15 em đạt học sinh giỏi tỉnh. Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lớp có sáu em đạt 9,75 điểm, cao nhất tỉnh bởi Nghệ An không có điểm 10; ngoài ra, có 11 em đạt 9,5 điểm; 23 em đạt từ 9 đến 9,25 điểm. Bình quân điểm môn Ngữ văn của lớp đạt hơn 9,25. Đây là lớp học có điểm môn Ngữ văn trung bình cao nhất tỉnh Nghệ An.
Trong số này có nhiều em tuy điều kiện gia đình khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên học tốt, thi tốt. Tiêu biểu như em Đặng Thục Đoan, người đồng bào dân tộc Thái ở bản biên giới Vều 3, xã Phúc Sơn. Vượt lên khó khăn, em đã tự tìm tòi học tiếng Trung qua mạng và đăng ký thi môn Ngoại ngữ tiếng Trung. Kết quả, em đạt số điểm 28,85, trong đó, Ngữ văn 9,25 điểm và tiếng Trung 8,4 điểm. Em Đặng Thị Ngọc Hân, điều kiện gia đình khó khăn nhưng vẫn đạt 27,65 điểm, trong đó Ngữ văn 9,25 điểm...
Cô Phạm Thị Mai, chủ nhiệm lớp 12D1 chia sẻ: Trong lớp có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, lại phải ở trọ xa nhà, nhờ nắm rõ từng hoàn cảnh của học sinh nên cô luôn gần gũi, động viên các em cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ. Cô đã tạo dựng tinh thần tự học và vươn lên của từng học sinh. Dù ở nhà hay trên lớp, học trực tiếp hay online, các em đều nỗ lực học tập để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, là nhờ sự tận tình của thầy, cô giáo bộ môn trong từng bài giảng, từng tiết học. Kết thúc năm học 2021-2022, ba học sinh lớp 12D1 vinh dự được kết nạp vào Đảng.
3/Quay về “xứ Lường” Đô Lương thăm tập thể lớp 12T1 (Trường THPT Đô Lương 1) rất vui khi tất cả học sinh trong lớp đều đạt điểm cao, từ 24 điểm trở lên. Trong số 29 em đạt 26 điểm trở lên, có 17 em đạt từ 27 điểm đến trên 28 điểm; có hai em Nguyễn Hữu Hảo và Đặng Đức Mạnh thi khối A cùng đạt 28,35 điểm. Có nhiều em có điểm môn Toán cùng đạt 9,6 điểm; môn Vật lý, Hóa học đều đạt 9,75 điểm; Tiếng Anh đạt 9,4 điểm… Để có thành tích như ngày hôm nay là kết quả phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong suốt ba năm học phổ thông của tất cả học sinh trong lớp; cả lớp đoàn kết, luôn giúp đỡ nhau, tạo động lực để cùng nhau cố gắng, đặc biệt là trong thời gian ôn thi nước rút. Bên cạnh đó, là sự đồng hành của các thầy, cô giáo, kịp thời nắm bắt lực học của từng em để bổ sung kiến thức...
Không chỉ những lớp học nêu trên mà ở Nghệ An còn nhiều học sinh “trường làng” khác ở nhiều vùng quê nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng nỗ lực vượt lên trong từng năm học THPT, trong thời gian ôn thi nước rút, để có kết quả cao trong kỳ thi THPT năm nay. Chẳng hạn như em Lương Cao Trúc Linh là nữ sinh người dân tộc thiểu số ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, thủ khoa toàn tỉnh. Không chỉ với số điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh Nghệ An là 55,4 điểm, mà Linh còn đạt kết quả rất cao ở điểm xét tuyển theo khối. Trong đó, nếu tính cả điểm cộng, điểm thi khối C của Linh là 30,5 điểm và khối D là 29,4 điểm. Em Lo Giáp Thân ở bản Văng Môn, xã nghèo Nga My, huyện 30a Tương Dương đạt tổng điểm 25,50 (chưa tính điểm ưu tiên). Em là học sinh tộc người Ơ Đu có điểm số cao nhất từ trước tới nay ở Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An…
Các thầy, cô và các em học sinh “trường làng” Nghệ An đang tiếp tục góp phần làm rạng rỡ thêm đất học xứ Nghệ.