Đền Độc Cước đã không còn “độc”

Đền Độc Cước đã không còn “độc”

Điều đáng nói là dù cơ quan chức năng ra thông báo ngưng thi công nhưng chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế, thi công vẫn cố tình “việc ai nấy làm”.

“Xóa” luôn dấu chân thần Độc Cước

Đền Độc Cước nằm trên hòn Cổ Giải thuộc dải núi Trường Lệ. Đền mang tên Độc Cước (nghĩa là một chân) thờ thần Độc Cước. Vị thần này tương truyền là một chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh quỷ biển ngoài khơi vừa đánh giặc trong đất cứu dân làng.

Tưởng nhớ công ơn của chàng khổng lồ người dân đã lập miếu thờ ngay trên tảng đá có dấu chân chàng. Đến đời Trần, đền được xây dựng trên nền miếu trước đó và được phục dựng lại vào đời Lê và trải qua một số lần tu sửa nhỏ để hoàn thiện. Năm 1962, Bộ VH-TT công nhận đền Độc Cước là DTLSVH cấp quốc gia. Đền Độc Cước được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh (kiến trúc chuôi vồ), là dạng kiến trúc đền chùa vào loại cổ nhất và còn lại rất hiếm ở Việt Nam.

Thay vào đó là sự “tô vẽ” với xi măng,
vôi vữa…

Trong đền thờ, thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay và một chân, ngoài ra còn có hai tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp phổng tạc bằng đá khối… Cho đến trước thời điểm trùng tu, tôn tạo ngôi đền còn gần như nguyên trạng.

Năm 2006, UBND thị xã Sầm Sơn được giao trọng trách là chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo đền Độc Cước, vốn đầu tư giai đoạn một là 2 tỷ đồng do ngân sách tỉnh Thanh Hóa cấp. Công ty CP phục chế các công trình văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) được chọn làm đơn vị thi công. Thế nhưng, thay vì trùng tu, tôn tạo người ta đã “biến” ngôi đền cổ thành một ngôi đền “chẳng giống đâu”.

Các hạng mục Tiền đường, Trung đường, Hậu cung của đền cổ được xây dựng theo dạng bậc thang, dựa vào địa thế từ thấp lên cao, đã “được” các nhà thiết kế, xây dựng “sáng tạo” lại bằng cách cho san phẳng phần nền. Các lối kiến trúc, hoa văn được “tô vẽ” mới, tháp Nghinh Phong cũng được “tạo” mới, thậm chí người ta còn cho “san” luôn cả tảng đá được nhân dân cho là có dấu chân của Thần Độc Cước.

Để biện minh cho việc làm này, người ta cho rằng chuyện vết chân của Thần để lại trên hòn đá chỉ là mê tín dị đoan, chứ thực tế thì làm gì có (!?). Rõ ràng, khi tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích thì cả chủ đầu tư, đơn vị thiết kế lẫn nhà thầu thi công đã phớt lờ văn hóa tâm linh, gây bức xúc không chỉ đối với người dân Sầm Sơn.

“Quyết tâm” làm mới ngôi đền cổ

Sai phạm trong trùng tu, tôn tạo tại đền Độc Cước được cán bộ giám sát Sở VH-TT tỉnh Thanh Hóa phát hiện sau hai tháng công trình được tiến hành thi công. Cục DSVH đã về kiểm tra và đề nghị chủ đầu tư cho tạm dừng thi công để Cục Thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Ngày 13-12-2006, Cục DSVH có công văn số 1119/DSVH-DT: “Đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Sở VH-TT chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu sửa lại thiết kế, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên giám sát thi công, đồng thời phối hợp với BQL Di tích - danh thắng tỉnh lập lại hồ sơ dự án”.

Tiếp nhận Công văn của Cục, Sở VHTT đã ra một số văn bản hướng dẫn chủ đầu tư làm theo yêu cầu trên. Thế nhưng, “quên” tất cả, UBND thị xã Sầm Sơn và đơn vị thiết kế, thi công vẫn tiếp tục cho thi công để cho kịp… lễ hội kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn và mùa du lịch. Sở dĩ chủ đầu tư bất chấp các văn bản hướng dẫn của Cục DSVH và Sở VH-TT là vì họ vin vào lý do: dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đứng trước “tình hình” đó Sở VH-TT Thanh Hóa tiếp tục có công văn số 08/SVHTT-QLVH ngày 3-1-2007 yêu cầu: “Chủ đầu tư cần tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của Cục DSVH theo tinh thần của Công văn số 1119/DSVH-DT ngày 13-12-2006”. Kèm theo đó công văn cũng có hướng dẫn những phần việc cụ thể để chủ đầu tư có hướng thực hiện. Nhưng công văn của sở “không đáng sợ”, vì chủ đầu tư tiếp tục đưa ra lý do: dự án đã được tỉnh phê duyệt, Sở VHTT không có quyền can thiệp!

Và họ vẫn tiếp tục “công việc” để biến một ngôi đền cổ độc đáo của Việt Nam thành một “ngôi đền riêng chỉ dành cho một số người” - như lời của một số người dân xứ biển này.

Cách đây không lâu, tại Thanh Hóa cũng đã xảy ra “sự kiện làm mới” khi trùng tu, tôn tạo Khu di tích Lam Kinh. Đến bây giờ, Thanh Hóa lại có thêm một DTLSVH cấp quốc gia… mới mà giá trị di tích lại giảm.