Đêm nhảy lửa của người Pà Thẻn

Các thanh niên Pà Thẻn nhảy thẳng vào đống lửa đang cháy to mà không hề bị bỏng.
Các thanh niên Pà Thẻn nhảy thẳng vào đống lửa đang cháy to mà không hề bị bỏng.

Nhà thầy cúng Sìn Láo Tả nằm trên sườn núi giữa thôn My Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) vào một buổi chiều tà mưa bụi ẩm ướt và ảm đạm bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Người lo củi lửa, người chuẩn bị con gà trống đẹp mã có đôi chân vàng mượt. Một mình Sìn Láo Tả trong bộ trang phục màu đen chìm hẳn vào xó tối, mắt nhìn đăm đăm lặng lẽ.

Đêm của lửa

Trước mặt ông là bàn thờ giữa hai gian nhà. Trên đó, “ma” đã được “làm nhà mới”: một bát nước lã, một thẻ hương... Mọi thứ đã sẵn sàng. Ông cử người đi loan tin. Chẳng mấy chốc, cả làng tụ tập đông đủ. Những đôi mắt trẻ thơ mở to im lặng chờ đợi. Đám đàn bà con gái mặc váy áo ngày hội rực đỏ một góc nhà, má hồng như trái đào tiên vì sức nóng của lửa. Đống lửa giữa nhà bật ra những tiếng nổ nhỏ lách tách, bập bùng soi rõ hốc mắt và gò má cao của thầy cúng.

Ông ngồi ở một đầu chiếc ghế dài và thấp, tay giơ cao, hai bàn tay nắm hai đầu thanh gỗ dài chừng 1m, chính giữa mỗi thanh gỗ là một cây đinh nhọn và có một sợi dây kim loại nối hai đầu thanh gỗ. Thầy cúng hạ tay. Phập. Cây đinh cắm ngập vào chiếc ghế dài, chia nó thành hai nửa: một nửa dành cho thầy cúng, nửa kia dành cho người sẽ nhảy vào lửa.

19g30, tiếng rì rầm khi to khi nhỏ phát ra đều đều từ miệng thầy cúng đồng thời với tiếng “tanh, tanh, tanh” từ que tre nhỏ ông gõ lên sợi dây kim loại. Sìn Tà Dũng, cháu nội thầy cúng, thì thầm: “Ông đang báo cáo tổ tiên về cuộc vui chơi này, sau đó đi tìm thần lửa và thần nước để xin phép. Nếu hai thần đồng ý hợp tác với nhau thì có thể nhảy vào lửa. Nếu thần không đồng ý, ông phải đi mời lại từ đầu”. Những người đàn ông trẻ tuổi dần tụ lại xung quanh thầy cúng, mặt họ ngoảnh về phía đống lửa, đầy vẻ phấn khích. Lửa cháy mỗi lúc một lớn, giọng thầy cúng gấp gáp, hối hả, tiếng “tanh tanh tanh” nhanh dần, hối thúc.

20g15, Làn Văn Việt, 25 tuổi, có vẻ bị kích động. Anh ngồi lên nửa kia của chiếc ghế, đối diện với thầy cúng. Anh nhặt lấy một que tre và bắt đầu gõ lên thanh gỗ. Bảy phút sau, người Việt rung bần bật, người búng cao lên khỏi ghế bằng cả hai chân y hệt cú nhảy của một con ếch rồi hạ xuống. Cứ thế năm, sáu lần, chiếc ghế không chịu nổi sức nặng, nứt làm đôi. Việt dừng lại, lắc đầu rồi rút lui. Thêm một vài người nữa thử ngồi lên ghế, nhưng họ chỉ nhảy lên vài lần rồi dừng lại.

20g30, Phù Văn Vinh, 26 tuổi, tóc xoăn và nước da nâu bóng bỗng như thoát xác sau khi gõ chưa đầy hai phút. Anh nhảy chồm lên cao và rồi, với đôi chân trần, lao vào giữa đống lửa nhẹ nhàng như một con vượn. Than đỏ bắn tóe lên như pháo hoa rực rỡ xung quanh Vinh. Tay anh rờ qua những hòn than nóng rẫy, chân nảy lên rồi hạ xuống. Khoảng hai lần như vậy, Vinh nhảy ra ngoài nằm lịm, chân tay duỗi thẳng đờ, kiệt sức.

Nối tiếp cú nhảy của Vinh, Phù Văn Dinh, 20 tuổi, lao vào đống lửa làm khói bốc nghi ngút. Dinh nhảy ra ngoài nghỉ một lát rồi tiếp tục nhảy vào, cứ như vậy vài ba lần. Làn Văn Việt sau lần nhảy thứ nhất không thành, lần thứ hai anh lao vào giữa đống lửa một cách ngoạn mục, than tro bao phủ lấy Việt như một chiếc áo tơi.

21g, thầy cúng ngừng gõ. Những người đàn ông thi nhau nhảy vào đống lửa như một bầy vượn đánh đu, có người nhảy quá cao, không may đầu va vào cột nhà kêu bốp, ngã lăn ra đất rồi lập tức bật dậy cười tỉnh queo. Tro than văng tứ tung khiến mặt mũi ai nấy đen nhẻm. Khói và tro bốc mù mịt, trét đầy lỗ mũi người xem. Không khí trở nên đặc quánh!

21g30, đống lửa tàn, cuộc nhảy lửa kết thúc. Dân làng My Bắc lục tục ra về, vẻ mặt vui tươi, thỏa mãn.

Phong tục vùng cao

Những người muốn nhảy lửa chỉ việc cầm lấy một que tre, ngồi gõ đều vào chiếc đàn cúng bằng sắt của thầy mo Sìn Láo Tả một lúc là có hiện tượng “nhập” - họ bật tưng tưng tại chỗ như ếch. Nhưng có người chỉ bật thế lại thôi. Những người thật sự “nhập” được sau khi nhảy tại chỗ sẽ lao ra ngoài và tự nhiên nhảy vào đống lửa như có ai xui khiến.

Phù Văn Vinh đã tạm thời lại sức sau cú nhảy khơi mào. Anh mô tả: “Bây giờ mình rất mệt, nhưng lúc ma nhập mình thấy nhẹ lắm. Không thấy lửa nóng, lửa chỉ như đèn típ thôi”. Nhìn kỹ, những người nhảy vào lửa hoàn toàn nguyên vẹn, không bị bỏng hay cháy sém bất kỳ chỗ nào trên thân thể, tóc hay áo quần. Riêng Phù Văn Vinh bị bỏng nhẹ ở chân do một hòn than lọt vào trong ống quần.

Không chỉ đàn ông Pà Thẻn mới có thể nhảy lửa, người dân tộc khác cũng có thể tham gia. Toàn, quê ở Hà Tây, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Quang Bình, chia sẻ kinh nghiệm của anh hai năm trước: “Thoạt tiên thấy người ta nhảy mình cũng muốn thử. Gõ một lúc, phải tâm niệm, tập trung chú ý vào ngọn lửa, tự nhiên thấy vào được. Lúc nhảy vào không thấy nóng, nhưng sau đó mình bị mệt và đau người suốt mấy hôm nên bây giờ không dám nhảy”.

Phù Thị Thiên, cán bộ trẻ của Phòng Văn hóa huyện Quang Bình, giải thích về nguồn gốc lễ nhảy lửa: Theo phong tục của người Pà Thẻn, lễ nhảy lửa được xem như một trò chơi sau khi việc đồng áng, thu hoạch đã xong xuôi. Lễ này được tổ chức vài ba lần trong năm vào khoảng thời gian từ 15-10 âm lịch đến hết ngày rằm tháng giêng trên một bãi đất rộng, bằng phẳng, hoặc trong nhà thầy cúng.

Mỗi người tham gia lễ nhảy lửa đều đem củi tới góp vui. Người Pà Thẻn quan niệm lúc này các “ma” đều tụ về nghỉ ngơi, bởi vậy việc gọi “ma” đến nhảy lửa dễ dàng hơn. Chỉ có nam giới mới được tham gia nhảy lửa, còn phụ nữ thì không. Người Pà Thẻn tin rằng một khi nhảy vào lửa, phụ nữ sẽ nhảy nhót suốt bảy ngày đêm không dừng lại được.

Phù Thị Thiên nói: Trong những năm gầy đây, lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn không còn vô tư như trước nữa vì sự viếng thăm không đúng cách của những vị khách nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Pà Thẻn. Trong khoảng mười năm qua, các đoàn nước ngoài đến thôn My Bắc nghiên cứu lễ nhảy lửa đã cho người dân ở đây một khoản tiền khiến họ hiểu lầm rằng mình được thuê đến nhảy lửa.

Dần dà, người dân ở đây không còn tự nguyện góp gạo, củi, gà chung vui nữa mà chờ được trả tiền mới tổ chức lễ nhảy lửa. Vì tiền, có thầy cúng đã tổ chức nhảy lửa “trái mùa” và “đem những vị thần linh của lễ nhảy lửa” ra khỏi quê hương mình, về tận tỉnh Hà Tây trình diễn theo “đặt hàng” của một vị chức sắc.

Lửa than khó bỏng?

Tương tự lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, những vị pháp sư Ấn Độ đi chân trần trên than hồng mà không bị bỏng chân. Tìm cách lý giải hiện tượng này, từ cuối những năm 1990, David Willey - nhà vật lý học ứng dụng, Trường Đại học Pittsburgh (Mỹ) - đã đi chân trần trên than hồng nhiều lần cùng với nhiều người khác sau khi tìm ra “bí mật” về tính truyền nhiệt kém của than củi.

Ông và nhiều nhà khoa học khác đã chứng minh được rằng gỗ cứng và than củi có khả năng truyền dẫn nhiệt kém, thậm chí còn là chất cách nhiệt tốt, bằng chứng là người ta vẫn dùng gỗ làm quai nồi, cán chảo. Thêm nữa, lớp tro còn lại sau khi than được đốt hết cũng dẫn nhiệt rất kém, tự nó không tỏa nhiệt. Nhiệt truyền dẫn chủ yếu do sự tiếp xúc, và đó là yếu tố chính tạo nên hiện tượng đi trên than hồng. Khi người ta đi bộ trên than hồng, mỗi bàn chân chỉ tiếp xúc với than xấp xỉ một giây, thời gian đó không đủ để chân bị bỏng.

Theo một tài liệu lý giải về hiện tượng này, than hồng có thể đạt đến 700oC nhưng không làm bỏng chân người vì nó dẫn nhiệt rất kém. Phải mất hai giây tiếp xúc nó mới truyền sang bàn chân bạn 60oC và bắt đầu nóng lên. Do đó nếu bạn bước nhanh chân trên than củi đỏ rực sẽ không nguy hiểm. Nhưng kim loại thì khác. Kim loại có khả năng truyền nhiệt nhiều hơn than củi gấp hàng ngàn lần. Nếu đi chân trần trên những thanh sắt bị nung nóng, chắc chắn chân sẽ bị cháy xèo xèo ngay lập tức.