Bảo đảm tính công khai, minh bạch
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm.
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng và quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH).
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong xây dựng và chia sẻ CSDL quốc gia về bảo hiểm, cũng như yêu cầu khai thác dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa TTHC giữa các cơ quan, tổ chức và người dân; giải quyết tối đa khó khăn, vướng mắc của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và cơ quan, tổ chức có liên quan;
Dự thảo cũng ưu tiên sự an toàn cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân. Trong đó, ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, thuế, tài chính, ngân hàng.
Chín nhóm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Dự thảo Nghị định quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm có ba chương và 22 điều, với một số quy định cụ thể.
Dự thảo cho biết, thông tin trong CSDL quốc gia về bảo hiểm gồm các thông tin cần thiết về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT và các thông tin về y tế, an sinh xã hội để thực hiện chính sách bảo hiểm.
Cụ thể gồm chín nhóm thông tin.
Đó là: Nhóm thông tin cơ bản về công dân tham gia bảo hiểm; Nhóm thông tin về BHXH của công dân; Nhóm thông tin về BHYT của công dân; Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp của công dân; Nhóm thông tin về hộ gia đình; Nhóm thông tin về tổ chức đóng bảo hiểm cho người lao động; Nhóm thông tin về cơ sở khám, chữa bệnh; Nhóm thông tin trích xuất phục vụ quản lý nhà nước; Nhóm thông tin khác có liên quan đến người dân (việc làm, dạy nghề, giảm nghèo, người có công, chăm sóc và bảo vệ trẻ em …)
Đây là CSDL của Chính phủ được dùng chung cho các hoạt động của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.
CSDL quốc gia này được xây dựng tập trung, thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc và được kết nối, chia sẻ hai chiều với với Cổng dữ liệu quốc gia và các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan.
Đồng thời, CSDL quốc gia trên cũng được triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thông tin trong CSDL quốc gia về bảo hiểm được chia sẻ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc thu thập, cập nhật và sử dụng thông tin tuân thủ pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân.
Một công dân, một doanh nghiệp có một định danh duy nhất
Việc xây dựng, quản lý, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm dựa trên chín nguyên tắc.
Một trong những nguyên tắc đáng chú ý là, các dịch vụ, nghiệp vụ, TTHC sử dụng dữ liệu từ CSDL quốc gia về bảo hiểm phải lấy công dân làm trung tâm, bảo đảm sự hài lòng của người dân, tăng tối đa tính tự động hóa và giảm thiểu yêu cầu về thủ tục, giấy tờ đối với công dân.
Đặc biệt, một công dân, một doanh nghiệp có một định danh duy nhất trong CSDL quốc gia về bảo hiểm. Dữ liệu công dân trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm phải tham chiếu duy nhất sang CSDL quốc gia về dân cư. Dữ liệu doanh nghiệp phải tham chiếu duy nhất sang CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
CSDL quốc gia về bảo hiểm là CSDL tập trung, thống nhất toàn quốc về dữ liệu bảo hiểm. Các CSDL chuyên ngành về bảo hiểm phải tham chiếu, thống nhất với CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Dữ liệu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm phải cập nhật chính xác ngay sau khi giao dịch về bảo hiểm người dân, doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện hoàn tất.
CSDL quốc gia về bảo hiểm được quản lý, duy trì khai thác tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn dữ liệu cá nhân, về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước.
Việc khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
CSDL quốc gia về bảo hiểm thu thập, cập nhật thông tin từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của BHXH Việt Nam; trực tiếp từ công dân; từ các nguồn khác như CSDL quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về an sinh xã hội; CSDL hộ tịch điện tử;
CSDL ngành y tế; CSDL thông tin tín dụng; CSDL thuê bao di động…
Hệ thống quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm xây dựng tập trung, thống nhất tại Trung ương.
BHXH Việt Nam có trách nhiệm xây dựng, vận hành và duy trì Hệ thống quản lý CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL quốc gia về bảo hiểm..
Kinh phí xây dựng, duy trì CSDL quốc gia về bảo hiểm được sử dụng từ chi phí quản lý, sử dụng quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và BHYT; ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền trích xuất thông tin của mình trên CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Dữ liệu trích xuất có giá trị như văn bản chính thức xác nhận về thông tin bảo hiểm của cơ quan, tổ chức và cá nhân của cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác thông tin của công dân từ CSDL quốc gia về bảo hiểm.