Đề xuất cấp thuốc ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tối thiểu 60 ngày

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định như tiểu đường, tăng huyết áp… được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày. Trong thời gian uống thuốc điều trị, người bệnh cần đi khám bệnh vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chờ cấp thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: BẢO VĂN)
Người dân chờ cấp thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: BẢO VĂN)

Ngày 11/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 1748 /BHXH-CSYT gửi Bộ trưởng Y tế về việc đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế ban hành quy định về việc kê đơn như sau: Với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (tiểu đường, tăng huyết áp...), số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn, cấp thuốc điều trị sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày.

Văn bản nêu rõ, ngày 14/3/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 654/BHXH-CSYT về việc thời gian kê đơn cấp thuốc điều trị các bệnh mạn tính gửi Bộ Y tế, trong đó đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (như tiểu đường, tăng huyết áp…) với số lượng thuốc được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày, trong thời gian uống thuốc điều trị người bệnh cần đi khám bệnh thì vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa nhận được văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Y tế quan tâm, sớm chỉ đạo hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2017/TT-BYT để giảm áp lực chờ đợi cho người bệnh, giảm thời gian đi lại và kinh phí cho người bệnh, đồng thời giảm tải cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên.

Để giảm số lần người bệnh phải đến cơ sở khám, chữa bệnh để tái khám, giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh... Công văn số 654 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế ban hành quy định về việc kê đơn như sau: Với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (tiểu đường, tăng huyết áp...), số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn, cấp thuốc điều trị sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Chỉ riêng với trường hợp bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở (trung tâm y tế, phòng khám), đề nghị Bộ Y tế cho phép cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.

Đến hết tháng 5/2024, kinh phí chi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là hơn 52,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 6.200 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái.