Được thành lập từ năm 1976, sau nhiều lần được sửa chữa, cải tạo, nhưng cơ sở vật chất tại đây vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Tại một số khu vực, đường dạo đã xuống cấp, có đoạn gạch lát nứt gãy, lún sụt chỉ được sửa tạm thời, chắp vá. Hầu hết các chuồng nuôi thú được xây dựng từ những năm 1980, không đáp ứng được yêu cầu phát triển, tăng số lượng thú nuôi. Vấn đề xử lý môi trường, mùi hôi tại các khu chuồng nuôi thú cũng chưa được cải thiện nhiều. Ngoài ngân sách do thành phố cấp, Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cũng đã chủ động sử dụng nguồn vốn của đơn vị để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cảnh quan, nhưng do kinh phí hạn hẹp, cho nên chưa thể sửa chữa tổng thể.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3132/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa các chuồng thú và đường dạo trong Vườn thú Hà Nội từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố, dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Dự án sẽ tiến hành sửa chữa toàn bộ hàng rào lưới thép kết hợp kính cường lực cho các khu chuồng; mở rộng chuồng hà mã thêm khoảng 300 m2; xây bể tắm và hệ thống cấp nước tắm theo mùa cho hà mã; sửa chữa, mở rộng thêm khoảng 200 m2 chuồng 21, tạo thành chuồng chim bán tự nhiên; tiếp tục xây dựng cầu đi bộ khu vườn hươu, nai (giai đoạn 2) dài khoảng 90 m, rộng 1,7 m bằng bê-tông cốt thép; sửa chữa, mở rộng đường dạo cho toàn bộ đường dạo trên đảo; sửa chữa chuồng khỉ…
Đây là dự án nhằm chống xuống cấp công trình, bảo đảm mỹ quan của công viên, phục vụ tốt các nhu cầu vui chơi, giải trí, tìm hiểu, tham quan, bảo đảm an toàn cho người dân và khách du lịch trong công viên. Đồng thời, tạo cảnh quan đô thị, tăng cường chất lượng môi trường, góp phần bảo vệ và duy trì lá phổi xanh cho Thủ đô. Do đó, chủ đầu tư, đơn vị thi công cần có phương án, giải pháp cải tạo, sửa chữa bảo đảm tính chuẩn xác, tính hợp pháp; quá trình triển khai phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, tránh lãng phí trùng lặp khối lượng và tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Về lâu dài, cần tiếp tục có sự quan tâm, nâng cấp và đổi mới hoạt động của Vườn thú Hà Nội, không chỉ về cảnh quan môi trường, mà cả chất lượng trưng bày động vật, khu vui chơi, tổ hợp dịch vụ và các hoạt động phụ trợ khác. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, vui chơi giải trí, vườn thú cũng cần nghiên cứu mở các chương trình hướng dẫn, lớp học ngoại khóa nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật hoang dã. Thành phố cũng cần đầu tư, xây dựng Vườn thú Hà Nội thành điểm du lịch hấp dẫn, không chỉ thu hút người dân trong nước mà cả khách du lịch quốc tế như nhiều vườn thú, công viên nổi tiếng trên thế giới.
Để Vườn thú Hà Nội trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Với diện tích 18,7 ha, trong đó có 8,8 ha là hồ nước, Vườn thú Hà Nội là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và trưng bày hơn 500 cá thể động vật với nhiều loài động vật quý hiếm. Trung bình mỗi năm có hơn hai triệu lượt người tới đây tham quan, riêng vào những ngày lễ, Tết, có thể đón tiếp tới gần 80 nghìn người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với chất lượng dịch vụ và cảnh quan của điểm du lịch này.