Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tương đồng với đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi bám sát đúng yêu cầu mục tiêu lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có sự phân hóa thể hiện ở nhóm các câu hỏi cuối để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển đại học.
“Dự kiến phổ điểm sẽ dao động ở mức 7 điểm, số lượng điểm 10 sẽ rất ít” - các giáo viên tổ Toán của Hệ thống giáo dục Học Mãi nhận định.
Theo phân tích của các giáo viên, về nội dung kiến thức, đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây với 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.
Về độ khó, đề thi năm nay được đánh giá gia tăng độ khó so với đề thi năm 2023.
Khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã gặp và thực hành trong quá trình ôn luyện. Trong đó, 38 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết-thông hiểu, chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết.
Đề có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề: Số phức, hàm số, mũ - logarit, hình Oxyz và nguyên hàm-tích phân (tương tự đề tham khảo năm 2024). Các câu hỏi vận dụng hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi của các trường, các Sở (như cực trị của hàm số, thể tích khối tròn xoay, thể tích khối lăng trụ…).
Đề thi có các câu hỏi vận dụng cao, rất khó, khiến đa số các thí sinh có thể lúng túng trong việc tìm hướng giải, như câu 46 - câu 50 (mã đề 110).
Để có thể giải quyết các câu hỏi này, theo các giáo viên, thí sinh cần có sự bình tĩnh, nhanh nhạy cũng như tư duy tốt, đồng thời cần kết hợp nhiều kiến thức trong chuyên đề.