Trong nhiều tiêu chuẩn, phẩm chất và cả tình cảm, thái độ được nêu lên có một “mẫu số chung” được nhắc đến nhiều, đó là “tình đồng chí”. Đây là tình cảm mang tính kết nối làm nên uy tín, vị thế của một nhóm người cùng chung lý tưởng, mục đích. Qua thời gian trui rèn, thử thách, tình cảm đó trở nên thiêng liêng, cao quý, và tình đồng chí cũng chính là một đặc điểm dễ nhận biết của những chính đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã trải qua muôn vàn gian nan, thử thách.
Song cho dù lịch sử có biến thiên, thăng trầm thì tình cảm thiêng liêng giữa những người đồng chí vẫn luôn tỏa sáng. Cho đến hôm nay, khi những người cộng sản được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước thì “tình đồng chí” có còn trong sáng, có còn thắm thiết như những ngày đầu gian khó, hiểm nguy? Bài viết “Tình đồng chí” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10/1979 (tác phẩm in trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đã lý giải, cắt nghĩa và trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Đầu tiên, tác giả khẳng định tình đồng chí là một trong những “truyền thống quý báu của Đảng, là vật bảo đảm quan trọng cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo ra sức mạnh vô địch của Đảng”. Bởi thứ tình cảm đó sinh ra từ “tình bạn chiến đấu” của những người chiến sĩ cách mạng giác ngộ lý tưởng cộng sản, “được thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng”. Theo tác giả, trong giai đoạn Đảng lãnh đạo chính quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội, chẳng những tình đồng chí của những người cộng sản không giảm sút, không mai một, mà trái lại, càng nảy nở và phát triển.
Bởi tình đồng chí của những người cộng sản là tình đoàn kết chiến đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tình đồng chí của những người cộng sản có đặc trưng dễ nhận biết, đó là, tình thương yêu trong sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn nhau.
Song, sự yêu thương đó không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững phẩm chất cách mạng. Tác giả kết luận: “Nếu nể nang, né tránh, hoặc vì lý do nào đó mà không nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng chí mình là làm hại đồng chí mình, đẩy đồng chí mình vào sự sa ngã và tội lỗi; như thế không phải là thương yêu đồng chí một cách đúng đắn”.
Mặc dù bài viết đã được xuất bản hơn 40 năm, song độc giả vẫn cảm thấy thấm thía và rút ra nhiều bài học còn nguyên tính thời sự. Có một hiện tượng xã hội đáng suy ngẫm vẫn âm thầm diễn ra ở một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là tình đồng chí đã ít nhiều bị phai nhạt, biến dạng. Trong quan hệ giữa các đảng viên và cấp ủy, sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau đôi chỗ, đôi nơi thay bằng sự thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí ganh ghét, đố kỵ. Sự phai nhạt tình đồng chí khiến nội bộ mất đoàn kết, vai trò và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng bị suy giảm.
Trong sinh hoạt đảng, có nơi, có lúc lợi dụng danh xưng đồng chí để tụng ca, tung hô hay triệt hạ, nhất là ở mỗi dịp quy hoạch, bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Có thể nói, việc lợi dụng tình đồng chí, danh xưng đồng chí vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tiêu cực có nhiều biểu hiện tinh vi, khó đoán định. Lâu dần, nó làm suy giảm ý nghĩa thiêng liêng và giá trị tốt đẹp ban đầu vốn có cũng như sự nâng niu, trân trọng, giữ gìn, vun đắp tình đồng chí của nhiều thế hệ đảng viên chân chính.
Vũ khí “tự phê bình và phê bình” có thể chống lại sự phai nhạt của tình đồng chí. Song, để tình đồng chí thật sự có ý nghĩa mỗi khi nhắc đến thì mỗi người “đồng chí, đồng đội” cần xuất phát từ cái tâm trong sáng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trân trọng, phát huy, tiếp nối truyền thống quý báu đó, để tình đồng chí luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, trân trọng, đáng tự hào đó cũng là điều tác giả muốn gửi gắm qua bài viết của mình.