Đề phòng bệnh bụi phổi

Nhiều loại bụi có thể gây bệnh cho phổi, như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi gỗ, bụi bông, xi măng, cát, đá; gây những bệnh bụi phổi khác nhau và tính chất nguy hiểm cũng không giống nhau.

Trong các loại bụi trên, có loại là những chất trơ về tính chất sinh học, ít tác động về phương diện hóa học, ít ảnh hưởng đến tế bào và tổ chức cơ thể. Các bụi này vào phổi chủ yếu sinh lấp tắc, tác động gây bệnh có tính chất cơ giới và tương đối ít nguy hiểm (như bụi than, nhôm, xi măng...). Nhưng cũng có những loại bụi gây bệnh bụi phổi nguy hiểm, đáng chú ý hơn cả là bụi silic.

Tác hại do bụi gây ra phụ thuộc vào hàm lượng silic tự do trong bụi, nồng độ, kích thước bụi và thời gian tiếp xúc. Nồng độ bụi càng cao càng dễ bị mắc bệnh. Bụi silic vào phổi, càng nhỏ càng đi sâu, theo các phế quản nhỏ nhất đến tận các phế nang. Bụi nguy hiểm nhất là loại có kích thước từ 2 đến 5 micromet. Chúng vào sâu trong phổi, tụ lại thành những cục, những khối gây xơ hóa phổi. Những cục này mới đầu còn nhỏ, sau to dần, lúc đầu rải rác sau kết hợp với nhau gây nên những đám tổn thương lớn, những hình khối u có thể chiếm tới 1/4 hoặc 1/3 lá phổi. Trên Xquang, phổi bị xơ hóa lan tỏa và có những đám mờ hình hạt với kích thước và mật độ khác nhau. Đến giai đoạn nặng, những hạt này chồng chất lên nhau tạo thành hình khối u lớn.

Bệnh thường xuất hiện sau một thời gian dài tiếp xúc với bụi silic, từ 2 đến 15 năm. Tiến triển của bệnh thường từ từ, chậm chạp nhưng cũng có một số thể bệnh tiến triển nhanh, chỉ mấy tháng sau khi tiếp xúc với bụi silic.

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh rất nghèo nàn, chủ yếu là hiện tượng khó thở khi gắng sức hoặc khi mỏi mệt; dần dần người bệnh bị khó thở thường xuyên, ho, đôi khi kèm theo tức ngực, kém ăn, kém ngủ, người gầy sút, thể trạng suy sụp. Khi bệnh đã nặng, bệnh nhân bị khó thở nhiều, giảm chức năng hô hấp.

Bệnh bụi phổi do silic là một bệnh nguy hiểm vì những tổn thương phổi do nhiễm bụi silic không thể phục hồi được. Bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức lao động, gây phế thũng, suy tim, khó thở, giảm tuổi thọ. Một trong những biến chứng thường gặp và là “đồng minh” lợi hại nhất của bệnh này là lao phổi, và khi lao phổi xuất hiện, bệnh bụi phổi sẽ tiến triển nhanh hơn, tiên lượng rất xấu. Cơ thể bệnh nhân suy sụp nhanh, ăn ngủ kém, người gầy sút hẳn và thường bị sốt, ho nhiều, ho ra đờm dính máu hoặc ho ra máu thực sự.

Để đề phòng và hạn chế bệnh bụi phổi do silic, các cơ sở sản xuất có nhiều bụi này phải có biện pháp hút và thu hồi bụi.

- Những quá trình thao tác có tỏa ra nhiều bụi phải thực hiện trong hệ thống kín. Phòng làm việc phải rộng rãi, thoáng khí, có ống hút bụi chung và các ống hút bụi tại chỗ ở từng máy móc có tỏa ra nhiều bụi.

- Giáo dục cho công nhân ý thức giữ gìn vệ sinh trong lao động; cung cấp đầy đủ các trang bị phòng hộ cá nhân như quần áo, mũ, kính, khẩu trang, găng tay, ủng, v.v... và thường xuyên kiểm tra việc sử dụng. Tuyệt đối không ăn uống ở nơi sản xuất. Sau giờ làm việc phải tắm rửa sạch sẽ.

- Khám tuyển kỹ công nhân khi nhận vào làm việc. Không để những người có các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, hen, lao phổi vào làm những công việc có nhiều bụi silic. Thường kỳ khám sức khỏe cho công nhân, ít nhất mỗi năm một lần, có chụp phim phổi và đo chức năng hô hấp.

Những người mắc bệnh bụi phổi cần được điều trị và điều dưỡng chu đáo. Sau khi điều trị hoặc điều dưỡng xong, nên chuyển bệnh nhân làm công tác khác không tiếp xúc với bụi.