Để nông dân gắn bó với nghề trồng lúa

NDO - Kỳ II - Nghịch lý nhà nông
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) mỗi năm sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lúa (khoảng 21 triệu tấn lúa), và chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng đời sống nông dân tại vựa lúa này vẫn khó khăn.

Thậm chí, thu nhập từ nông nghiệp của một bộ phận nông dân đang giảm và chênh lệch thu nhập giữa các vùng càng lớn, trong đó chất lượng bữa ăn của nhiều hộ nông dân tại một số nơi có dấu hiệu giảm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng vẫn còn 11,02%. Phần lớn nông dân trồng lúa hiện vẫn là những người nghèo. Khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) ở tỉnh An Giang cho thấy, trong sản xuất lúa, lợi nhuận bình quân đầu người chỉ đạt gần 4 triệu đồng/năm; nhiều vùng chuyên trồng lúa nhưng vẫn là những vùng kém phát triển.

Ngoài yếu tố thời tiết diễn biến thất thường sản xuất nông nghiệp tại khu vực ÐBSCL manh mún, nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng năng suất và sản lượng lương thực, khiến nhà nông chưa thể thoát nghèo. Phần lớn nông dân canh tác trên diện tích nhỏ, chỉ khoảng 1 ha/hộ. Ruộng đất manh mún đã hạn chế sự đầu tư thâm canh và cơ giới hóa nông nghiệp; đồng thời là nguyên nhân dẫn tới thất thoát lớn trong thu hoạch và sau thu hoạch. Việc cơ giới hóa chủ yếu tập trung ở các khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển. Khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch lúa hầu như vẫn làm thủ công. Theo tính toán, với sản lượng hơn 21 triệu tấn lúa/năm ở ÐBSCL cần 13 đến 15 nghìn máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa, song mới có ba nghìn máy hoạt động. Do thiếu máy móc hỗ trợ, nên thất thoát trong thu hoạch lúa ở ÐBSCL hằng năm còn lớn. Ước tính, hao phí mất mát của khâu thu hoạch và bảo quản lúa sau thu hoạch ở mức 5 đến 15% (tương đương gần 200 triệu USD/năm). Trong khi đó, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp vào khu vực này cũng còn hạn chế, nhất là chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh lương thực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù mỗi năm ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, nhưng ngân sách dành cho đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm gần 2% GDP. Vốn đầu tư ít, lại phân bổ chưa tương xứng cho các hoạt động khoa học nghiên cứu chuyên sâu. Hiện, cả nước có hàng trăm viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu hoạt động khoa học nông nghiệp, nhưng tính trung bình hàm lượng khoa học trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân làm hệ thống sản xuất giống lúa ở ÐBSCL mới chỉ cung ứng hơn 30% giống lúa xác nhận theo yêu cầu.

Mỗi năm, nông dân ÐBSCL sản xuất ra hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng hệ thống thu mua, cơ chế phân phối lúa gạo còn hạn chế, nhất là chưa được tổ chức chặt chẽ, vai trò quản lý của Nhà nước chưa đủ mạnh. Mỗi hộ dân là một cơ sở sản xuất lúa gạo, quy mô nhỏ lẻ, chỉ biết làm ra hạt gạo, ngoài dành để tiêu dùng còn bán ra thị trường. Vì vậy, trang thiết bị phơi sấy, cất trữ hạn chế. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh lương thực không đủ kho dự trữ lương thực, chưa đủ lực lượng, phương tiện, kinh nghiệm và cả vốn để tự tổ chức thu mua trực tiếp hết lúa gạo trong dân. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chiếm cơ cấu lớn trong chi phí của doanh nghiệp khiến lợi nhuận xuất khẩu chưa cao. Ðiều này cũng lý giải một phần lý do vì sao doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua của nông dân khi ký được hợp đồng xuất khẩu.

Các dự án về hệ thống kho chứa lương thực tại ÐBSCL mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt từ lâu, song việc triển khai xây dựng vẫn còn quá chậm do gặp nhiều khó khăn về thủ tục, đất đai, đền bù giải tỏa. Hiện toàn vùng ÐBSCL mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 29,3% (277.320/951.990 tấn kho). Việc ký hợp đồng "bốn nhà" ở ÐBSCL tuy đã thực hiện nhiều năm nhưng chưa được như mong muốn. Nhiều nơi, nông dân tự lo giống, phân bón... hoặc doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, khoa học - kỹ thuật. Song khi lúa được giá, nông dân bán hết cho thương lái, hoặc doanh nghiệp cho rằng, lúa chưa đạt quy chuẩn mua giá thấp, khiến doanh nghiệp và nông dân khó gặp nhau.

Phần lớn hệ thống thu mua và bán lẻ gạo ở ÐBSCL hiện do tư thương đảm nhận nên Nhà nước khó kiểm soát giá thu mua để bảo đảm lợi ích cho nông dân. Tại nhiều nơi, kênh thu mua lúa gạo, chủ yếu vẫn qua lực lượng "hàng xáo". Hạt lúa từ ruộng qua nhiều khâu trung gian như: "hàng xáo" - thương lái, cơ sở xay xát, vựa, chành, rồi mới đến điểm thu mua của doanh nghiệp nhà nước. Những công đoạn này khấu trừ từ 5 đến 10% giá thành thu mua lúa. "Hàng xáo" cũng là người trong gia đình, dòng họ, xã, nên họ nắm bắt được nhu cầu mua sắm tiêu thụ cũng như sản xuất của nông dân. Nhiều "hàng xáo" lấy công làm lời, ứng "tiền tươi" trước lấy sản phẩm sau, nên được nông dân tín nhiệm bán lúa tươi ngay tại ruộng, mọi chi phí "hàng xáo" lo. Vì vậy vào mùa thu hoạch, tình trạng tư thương ép giá, gây thiệt hại cho nông dân vẫn phổ biến.

Ðể nông dân sống được bằng nghề

Hiệu quả bước đầu đã khẳng định mô hình "nông dân nhỏ - cánh đồng lớn" giảm chi phí, tăng hiệu quả, nông dân có lãi. Vấn đề là làm sao liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp hình thành chuỗi dịch vụ bao tiêu, tồn trữ, phơi sấy, chế biến lúa gạo bớt khâu trung gian... phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, để người trồng lúa có thể sống tốt bằng nghề nông.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với trách nhiệm được giao cần cùng các công ty kinh doanh lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm sao tổ chức tốt việc thu mua hết lúa gạo trong dân với giá hợp lý, giữ và chi phối giá gạo xuất khẩu. Trong đó, vai trò của các công ty lương thực có chức năng bình ổn thị trường là hết sức quan trọng, cần tạo điều kiện cho các công ty này về vốn, hệ thống kho, thu mua... để thực hiện chức năng thu mua gạo trong dân cho xuất khẩu, tạm trữ và bán gạo ra thị trường khi có biến động. Ðặc biệt, cần tăng cường vai trò của hệ thống phân phối, bán lẻ đối với việc bình ổn thị trường, cũng như nâng cao khả năng dự báo về cung cầu trong nước và giá cả lúa gạo thế giới để có phương án sản xuất linh hoạt theo thị trường. Nhất là các doanh nghiệp lương thực khi tham gia thị trường thế giới cần bán theo giá thị trường và có chân hàng mới bán. Ðể khắc phục khó khăn về vốn cho sản xuất và thu mua lúa gạo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, tiêu thụ, dự trữ và chế biến lương thực, với mức lãi hợp lý và ổn định, và quy định giá thu mua thóc không thấp hơn một mức sàn tối thiểu. Vào vụ thu hoạch rộ, có thể hỗ trợ cho các công ty lương thực vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi từ ba đến bốn tháng để mua thóc nhằm ngăn không cho giá xuống thấp. Ngân hàng cũng có thể áp dụng cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, dùng thóc để thế chấp. Khi thóc được giá, nông dân bán đi để hoàn lại vốn cho ngân hàng. Ðồng thời có cơ chế giám sát bảo đảm phần vốn vay sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhu cầu xuất khẩu gạo đang tăng, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cần sớm cấp giấy phép chứng nhận xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đủ điều kiện theo Quyết định 109/2010/QÐ-TTg ngày 4-10-2010 của Chính phủ để không ảnh hưởng việc tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân và kế hoạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Về lâu dài, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các cơ chế ưu đãi. Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học nông nghiệp, nhất là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học mũi nhọn như chuyển gien, công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn mặn, sâu bệnh... Nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhân rộng các "cánh đồng mẫu lớn" trong các khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng lúa. Ðầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch như kho hàng, kho dự trữ lúa nhằm tăng công suất dự trữ và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để tăng thời gian dự trữ, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ, chính xác những tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp, nông thôn từng vùng để có cơ sở đề xuất các giải pháp hữu hiệu về phát triển và bảo vệ sản xuất lương thực; từng bước xây dựng các công trình giảm tác hại của nước biển dâng, lũ lụt và khô hạn, bảo vệ các vựa lúa trước đe dọa của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11-8-2011.