Để những chuyến tàu thật sự an toàn

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay tình trạng ném đất, đá và chất bẩn lên tàu hỏa xảy ra tại một số địa phương có đường sắt đi qua có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, những hành vi này chưa được ngăn chặn tận gốc bởi một số người sinh sống hai bên đường sắt coi đây là trò vui đùa, giải trí. Hậu quả, nhiều vụ việc ném đất, đá đã gây thương tích nặng cho những người trên tàu, khiến dư luận bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vào 23 giờ 55 phút ngày 10/7, Tàu H2705 do đầu máy D10H-020 kéo, khi đến Km 192+800 (khu gian Mậu A-Mậu Ðông) trên tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, đoạn qua xã Mậu Ðông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, phụ lái tàu Nguyễn Văn Quân bị người dưới đường ném đá trúng đầu, gây thương tích nặng. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Văn Yên bước đầu đã xác định được 8 người, trong đó có 3 người trực tiếp ném đá lên khu vực đầu máy.

Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, lãnh đạo Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam lập tức có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương liên quan hỗ trợ, có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này.

Ðây không phải lần đầu mà nhiều năm nay ngành đường sắt luôn phải đối mặt với tình trạng nhức nhối này. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe. Các địa phương xảy ra nhiều vụ ném đất, đá lên tàu là: Khánh Hòa 18 vụ; Ðồng Nai 15 vụ; Bình Ðịnh 8 vụ; Quảng Nam 8 vụ...

Từ những số liệu, cũng như vụ việc nêu trên cho thấy tình trạng ném đất, đá, gây nguy hiểm an toàn chạy tàu đang gia tăng trong thời gian gần đây; nguyên nhân phải kể đến là sự thiếu ý thức của một số người dân, trong đó có không ít người trưởng thành coi việc ném đất, đá lên tàu là trò tiêu khiển, giải trí. Tình trạng người đi tàu vứt rác bừa bãi xuống các khu dân cư thường xuyên tái diễn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một vài nhân viên trên tàu ứng xử chưa phù hợp với những người bán hàng rong, mỗi khi tàu dừng, đỗ trả khách. Một số địa phương có đường sắt đi qua chưa thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Mức xử phạt theo quy định đối với người có hành vi ném đất, đá lên tàu còn nhẹ, thiếu tính răn đe…

Thực tế các hành vi ném đất, đá và các chất bẩn lên tàu thường xảy ra lúc trời tối, khi tàu đang chạy khiến việc xác định người ném rất khó. Mặc dù ngành đường sắt đã lắp đặt camera khu vực đầu máy nhưng vẫn không phát hiện được người ném đất, đá lên tàu do khu vực bị ném đá thường ở các toa tàu, hoặc do người ném chọn vị trí khuất cho nên camera không thể quét hết.

Trường hợp phát hiện tàu bị ném đá, biện pháp ngành đường sắt hay áp dụng là cho dừng tàu để đuổi bắt đối tượng. Tuy nhiên, biện pháp này phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và lộ trình di chuyển của đoàn tàu. Hơn nữa, khi dừng được tàu thì các đối tượng đã nhanh chóng rời đi từ trước đó...

Theo các quy định của pháp luật, việc ném đá, đất, chất bẩn... lên tàu là hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất hành vi và mức độ thiệt hại. Cụ thể, theo Nghị định 144/2021/NÐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, thì hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục tình trạng ban đầu. Trường hợp, nếu làm người khác bị thương thì buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Ðể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nguy hiểm này, cùng với những nỗ lực của ngành đường sắt thì chính quyền, ngành chức năng các địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát thanh di động, sân khấu hóa, dán áp-phích và phát tờ rơi tại các khu vực công cộng.

Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền Luật Ðường sắt và các phong trào "Em yêu đường sắt quê em", "Thiếu nhi bảo vệ an toàn giao thông đường sắt" tại các trường học, khu dân cư; phát huy vai trò nòng cốt của các đảng viên, đoàn viên, cựu chiến binh… tại địa phương trong việc tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ việc ném đất, đá lên tàu là hành vi phá hoại tài sản nhà nước, gây nguy hiểm đến tính mạng con người; tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đường sắt cho các gia đình ở hai bên đường sắt.

Những người từng bị xử lý hành chính về hành vi này phải ký cam kết không tái phạm và nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Trường hợp là học sinh chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì những người giám hộ (bố, mẹ, cô, bác…) phải ký cam kết thay. Gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nhất là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng người dân ném đất, đá lên tàu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành đường sắt cần kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an chỉ đạo Công an, Ban ATGT các địa phương có đường sắt đi qua thành lập các tổ trinh sát, cơ động bảo đảm an ninh, trật tự ATGT đường sắt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến đường sắt; tăng nặng mức xử phạt hành chính cũng như hình sự, thậm chí tổ chức xét xử lưu động những người cố tình tái diễn nhiều lần những hành vi này; tuyên truyền, hướng dẫn hành khách đi tàu vứt rác đúng nơi quy định…