Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Dự thảo Nghị định gồm sáu chương, 33 điều, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách phường...
Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nêu ba vấn đề còn ý kiến khác nhau, đó là Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường không? Về nguyên tắc hoạt động và làm việc của UBND phường và Chủ tịch UBND phường, có nên đưa vào quy định “không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện” để tránh hành chính hóa hoạt động của cộng đồng dân cư. Về biên chế công chức làm việc tại UBND phường, dự thảo Nghị định đề xuất 15 biên chế cho một phường, tuy nhiên, Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị số biên chế cho một phường là 16 người...
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Hà Nội cần rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, trên cơ sở đó, tính toán các điều kiện chuyển tiếp hợp lý hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm. Bên cạnh đó, cũng không nên quy định cứng số lượng biên chế cho cấp phường là 15 người, mà trên cơ sở tổng biên chế của quận được thành phố phê duyệt, Chủ tịch UBND quận sẽ có sự phân bổ số lượng hợp lý cho từng phường.
Các ý kiến của lãnh đạo một số quận, phường của thành phố cũng cho rằng trên cơ sở tổng biên chế được giao, quận sẽ chủ động phân bổ số lượng biên chế theo từng phường, tùy vào diện tích, dân số và tính chất đặc thù... Tương tự, việc phân bổ ngân sách cũng căn cứ vào nhiệm vụ đặc thù của mỗi phường. Đồng thời kiến nghị dự thảo Nghị định nên nêu những cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND phường không phải là công chức; quy định về cơ chế phối hợp giữa UBND phường và Công an phường.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị, giúp thành phố nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên địa bàn sắp tới. Đồng chí đề nghị các cơ quan thành phố tiếp tục bám sát và quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai một cách chủ động.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng mong muốn cơ quan soạn thảo Nghị định vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97 của Quốc hội. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường; nếu không cơ cấu Trưởng công an phường tham gia UBND phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác giữa UBND phường và Công an phường; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền.