Ðề nghị cử một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng đã quan tâm nhiều hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc T.Ư đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết hoặc hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến và triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư. Một số tỉnh, thành phố khác lồng ghép trong các nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy.

Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc T.Ư thường xuyên chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT. Trưởng Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, huyện do Chủ tịch UBND đảm nhiệm để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn giao thông. Sau khi Luật Giao thông đường bộ được QH thông qua ngày 29-6-2001, Chính phủ và các bộ đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành một số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể là, Chính phủ đã ban hành 11 nghị định hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ; Thủ tướng Chính phủ ban hành bảy quyết định và năm chỉ thị. Các bộ đã ban hành hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ. Bộ Giao thông vận tải ban hành 57 quyết định, 11 thông tư và bốn chỉ thị; Bộ Công an ban hành năm quyết định, 11 thông tư và hai chỉ thị; Bộ Tài chính ban hành chín thông tư, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành một quyết định.

Về Luật Ðường sắt, Chính phủ ban hành ba nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 26 quyết định, Bộ Tài chính ban hành một quyết định để hướng dẫn thi hành Luật này. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thi hành các đạo luật: Giao thông đường thủy nội địa; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Hàng không dân dụng. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật tương đối hoàn chỉnh và phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông từ T.Ư đến địa phương được thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ hơn với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị-xã hội.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông, triển lãm tranh ảnh, khẩu hiệu, áp-phích, tờ rơi... Nhiều báo, đài đã mở chuyên mục và thường xuyên có tin, bài về tình hình TTATGT, có lực lượng phóng viên chuyên trách, cộng tác viên về chuyên mục an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp, thiết thực, đạt hiệu quả cao. Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT được tiến hành kiên quyết bằng nhiều biện pháp mạnh, cho nên ở một số thành phố lớn người tham gia giao thông chấp hành luật giao thông tốt hơn. Một số lỗi như đi vào đường cấm, đường một chiều, vượt đèn đỏ đã giảm đáng kể. Riêng tám tháng đầu năm 2007, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra xử lý 2.689.365 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 406,703 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 7.367 trường hợp, tạm giữ 19.195 ô-tô và 574.869 mô-tô; cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra lập biên bản 96.411 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, phạt tiền 89.577 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 26,5 tỷ đồng. Theo thống kê, tám tháng đầu năm nay cả nước xảy ra 9.941 vụ tai nạn giao thông (đường bộ: 9.515 vụ, đường sắt: 244 vụ, đường thủy: 155 vụ, hàng hải: 27 vụ), làm 8.948 người chết, bị thương 7.607 người; tăng 6,07% số người chết và giảm 0,85% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2006.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an nhân dân mở đợt cao điểm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, tập trung xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 146/2007/NÐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người quy định, quá tải; sử dụng xe hết niên hạn hoặc không bảo đảm an toàn kỹ thuật; không giấy phép lái xe, không bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, người đi mô-tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường gây mất TTATGT; chống người thi hành công vụ; xử lý các bến, chủ đò ngang chở khách không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ việc tăng cường quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trong vòng năm năm trở lại đây, việc quản lý phương tiện giao thông; kiểm định phương tiện giao thông; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ chuyên môn; quản lý TTATGT trong hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, cũng nhận định rằng, trong thời gian qua còn có những khó khăn, cả về chủ quan và khách quan làm hạn chế kết quả đạt được và những kết quả đạt được chưa thật sự ổn định, vững chắc.

Giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT trong thời gian qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đánh giá  Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện và với nỗ lực chung của toàn xã hội, tình hình TTATGT đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ; đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần sớm được khắc phục. Ðó là, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về giao thông còn chậm, thậm chí đến nay, sau bảy năm Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành, nhất là ở cấp tỉnh; nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành lại trái quy định của luật hoặc vượt thẩm quyền; hầu hết các địa phương chưa thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành đến Ðoàn đại biểu QH để giám sát.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT mới đạt yêu cầu về diện, thiếu chiều sâu, còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với đặc điểm từng đối tượng nên chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm, sự phối hợp giữa các ban, ngành ở địa phương trong quy hoạch đô thị và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị chưa tốt, dẫn đến nhiều cơ quan, tổ chức, cơ sở xã hội tập trung trong nội thành, nội thị, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hệ quả tất yếu là ùn tắc giao thông do sự tập trung quá mức mật độ người và phương tiện vào trung tâm các đô thị.

Công tác đăng ký, quản lý và kiểm định các loại phương tiện giao thông còn nhiều bất cập, nhất là đăng ký, quản lý, kiểm định các phương tiện thủy nội địa; một số địa phương tỏ ra bất lực và cho rằng, quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa về vấn đề này là thiếu tính khả thi. Một số cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, chứng chỉ phương tiện thủy nội địa và quản lý, giáo dục lái xe, người điều khiển phương tiện thủy nội địa chưa chú trọng về chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT chưa thật quyết liệt, liên tục, thường tập trung trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng hoặc các đợt cao điểm; vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Nguyên nhân của những bất cập nói trên, theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học ở các đô thị, gia tăng phương tiện tham gia giao thông, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ và tốc độ phát triển quá chậm chạp của kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên cả nước, tỷ lệ tăng bình quân năm từ 2002 đến 2006 đối với ô-tô là 11,8%, mô-tô là 17,3%; riêng tám tháng đầu năm 2007, đăng ký mới 74.863 ô-tô và 2.037.235 mô-tô, nâng tổng số phương tiện cơ giới đường bộ hiện nay là 1.047.975 ô-tô và 20.653.235 mô-tô. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày có thêm gần 100 ô-tô và gần 1.000 mô-tô, xe gắn máy được đăng ký. Trong khi đó, tổng chiều dài quốc lộ trên cả nước có 17.295 km, đường tỉnh là 23.137,5 km, đường huyện là 54.961,9 km. Các dự án xây dựng mới hạ tầng giao thông còn rất ít, tiến độ thi công chậm chạp, do kinh phí eo hẹp. Tính một cách đơn giản, một km đường phải gánh 227,4 phương tiện giao thông cơ giới, chưa kể phương tiện thô sơ.

Thói quen tự do, tùy tiện đặc trưng của nền sản xuất nhỏ chưa được loại bỏ trong ý thức của người tham gia giao thông dẫn đến hành vi vô ý hoặc cố ý vi phạm pháp luật về giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Các yếu tố thiên nhiên, môi trường như bão, lụt, thời tiết xấu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình TTATGT.

Về chủ quan, nguyên nhân có tính bao trùm là sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về TTATGT, mà trọng tâm là công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương chưa tương xứng với quyết tâm chính trị mà Ðảng, Nhà nước ta đã xác định.

Từ việc đánh giá như trên, Ủy ban kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Chính phủ tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ và đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khoá XII. Các cơ quan của QH, các đoàn đại biểu QH, các vị đại biểu QH tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật về TTATGT (giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát hành vi chấp hành pháp luật giao thông).

Ðối với Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị hai nhóm giải pháp, gồm nhóm giải pháp cấp bách trước mắt và nhóm giải pháp cơ bản, lâu dài. Ðáng chú ý là, trong nhóm giải pháp cấp bách trước mắt, Ủy ban đề nghị cử một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia và sớm có đề án đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Ủy ban này; đồng thời, chỉ đạo đổi mới và kiện toàn Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ban này.

Trên cơ sở hai báo cáo nói trên, các ý kiến phát biểu đã tập trung đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua, nhất là những nguyên nhân yếu kém, tồn tại và những giải pháp khắc phục nhằm từng bước kiềm chế, đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông, để giao thông thật sự là điều kiện, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đem lại hạnh phúc cho mọi người.