Bài 1: Giải quyết bài toán liên kết sản xuất
Đẩy mạnh liên kết và hợp tác trên cơ sở lợi ích chung, chính là mục tiêu mà KTTT, nòng cốt là các HTX nông nghiệp hướng đến để thích ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu này, KTTT, HTX nông nghiệp phải khắc phục những hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, trình độ hạn chế, khó áp dụng khoa học-công nghệ, thiếu thông tin về thị trường…
Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước cho nên khu vực KTTT nước ta có những chuyển biến tích cực, nhận thức của nhân dân được nâng lên, số lượng HTX tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ… Qua đó, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Đồng hành cùng người dân
Cùng nhau liên kết sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học-công nghệ nhằm tăng chất lượng, giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên chính là cách mà HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang thực hiện. Hiện, HTX có 20 thành viên, quy mô sản xuất 170ha cây ăn quả, trong đó có 70ha thanh long. Từ năm 2020, HTX không những tiêu thụ hết sản phẩm của mình mà còn bao tiêu sản phẩm thanh long của HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu xuất khẩu sang thị trường Nga. Năm nay, HTX Ngọc Hoàng phấn đấu tiêu thụ 1.500 tấn thanh long trong nước và xuất khẩu.
Theo Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, Nguyễn Thị Dung, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của người nông dân. Từ đó, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa phù hợp, bảo đảm chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất theo hợp đồng tránh tình trạng “được mùa, mất giá-được giá mất mùa”.
Liên kết sản xuất, hỗ trợ người nông dân trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản cũng được các HTX tại tỉnh Bến Tre chọn là mũi đột phá trong phát triển KTTT. Đến thăm HTX Nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam mới thấy sự thay đổi trong tư duy sản xuất, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường chính là chìa khóa để hơn 137 thành viên HTX trở thành những “tỷ phú”. Hiện HTX sở hữu 500ha dừa, trong đó có 144ha dừa hữu cơ sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp.
Trung bình mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 14 nghìn quả dừa, tạo việc làm cho 70 lao động tại địa phương. Xã viên Trần Văn Luông phấn khởi chia sẻ, nhờ HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp cho nên hơn 1ha dừa của gia đình ông có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 1.200 quả, giá thu mua của doanh nghiệp cao hơn thị trường từ 5 nghìn đến 12 nghìn đồng/12 quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Cùng “bắt tay” với nông dân, doanh nghiệp và các HTX khác trên địa bàn cũng là giải pháp để HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, tỉnh Lâm Đồng, xây dựng thành công thương hiệu Anh Dao Vegetable Co-op. Đồng thời, trở thành đơn vị tiên phong của tỉnh áp dụng công nghệ sau thu hoạch, sử dụng mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho hơn 270ha rau sạch và hơn 100ha của hộ nông dân liên kết tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), tiêu thụ tại 53 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hợp đồng ký kết với hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
Bưởi VietGAP của Hợp tác xã trồng cây ăn quả bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La). |
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Nguyễn Công Thừa cho biết: “HTX luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, điều hành; triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất cho các thành viên và hộ liên kết; thường xuyên nghiên cứu thị trường để chủ động sản xuất, tiêu thụ”.
Tồn tại nhiều rào cản
Thực tế cho thấy, KTTT mang lại nhiều lợi ích cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, KTTT không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” bởi còn có những đứt gãy trong chuỗi liên kết sản xuất hiện nay. Năm 2017, cây chanh leo được coi là “trái vàng” của nông dân tỉnh Sơn La, khi 1ha chanh leo được chăm sóc tốt có thể cho thu nhập từ 300 triệu-400 triệu đồng/năm. Nhưng, do tâm lý “ăn xổi”, người dân tự ý phá bỏ hợp đồng đã được ký kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, ồ ạt nhập giống chanh kém chất lượng về trồng. Kết quả, diện tích canh tác giảm từ hơn 4.000ha (năm 2019) xuống còn 300ha (năm 2021).
Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Lê Hoài Hưng cho biết: Đối mặt với việc vùng nguyên liệu giảm, tư thương cạnh tranh, không thu hồi được vốn cho nên công ty không thể tiếp tục cung ứng giống, phân bón… Qua tìm hiểu, các mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chanh leo, công ty phát hiện có không ít cá nhân, HTX lũng đoạn thị trường, gây mất lòng tin giữa người dân và công ty.
Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É (Sơn La) xót xa cho biết, từ hơn 100ha chanh leo, đến nay cả xã chỉ còn khoảng 18ha. Đây cũng là bài học cho người dân và các HTX khi tự ý phá bỏ cam kết trong phát triển nông nghiệp và chạy theo thị trường tự do để bán nông sản ra ngoài. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất đang có nguy cơ kéo lùi KTTT.
Không chỉ có tâm lý “ăn xổi” mà trình độ quản lý, nguồn nhân lực yếu kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, vốn điều lệ thấp… cũng là những bất cập của nhiều HTX trong đó có HTX Nông nghiệp Bình Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Được thành lập cách đây hơn hai năm với 129 thành viên, số vốn điều lệ 135 triệu đồng. HTX sở hữu 67ha gồm: Bưởi da xanh, dừa, chanh. Trong đó có 22ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, nhưng không thể “ăn nên làm ra”.
Xã viên Nguyễn Văn Hồng Vân đang sở hữu 9.000m2 bưởi da xanh cho biết: “Sở dĩ nhiều hộ xã viên như gia đình tôi chọn bán cho tư thương vì bán cho HTX người dân phải tự thu hoạch rồi chở đến tận trụ sở HTX mà giá cũng bằng với giá thương lái thu mua…”. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Bình Hòa, Lê Văn Thắng chia sẻ, hiện HTX gặp rất nhiều khó khăn từ văn phòng làm việc, kho bãi, phương tiện đến vốn… Đồng thời, bộ máy quản lý thiếu giám đốc có đủ trình độ, kinh nghiệm phụ trách kinh doanh. Vì vậy, xã viên không mặn mà, tâm huyết với hoạt động HTX.
Thực tế cho thấy, đã có những nỗ lực của các địa phương trong phát triển KTTT gắn với việc chủ động xây dựng chuỗi sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua hiện đại hóa sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương còn lúng túng với mô hình điều hành, phát triển KTTT, thậm chí là khó khăn trong thay đổi tư duy sản xuất, huy động nguồn lực của xã viên. Do đó, bên cạnh sự chủ động trong phát huy nội lực KTTT, HTX cũng cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng để KTTT, HTX nông nghiệp phát triển bền vững…
(Còn nữa)