Để giải quyết triệt để tình trạng quá tải trong nhận và trả lệnh chứng khoán

NDO -

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết đang phối hợp cùng FPT hoàn thành hệ thống đúng hạn cuối tháng 6 này để giải quyết triệt để tình trạng quá tải.

Để giải quyết triệt để tình trạng quá tải trong nhận và trả lệnh chứng khoán

Vì sao thời gian nhận và trả lệnh chậm?

Thị trường chứng khoán điều chỉnh hai phiên liên tiếp đầu tuần, với mức giảm điểm mạnh của chỉ số VN-Index (giảm 54,17 điểm). Áp lực điều chỉnh diễn ra trên diện rộng, nhưng tập trung mạnh hơn ở các nhóm cổ phiếu đã tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán, ...

Ngoài áp lực chốt lời sau quá trình tăng mạnh kéo dài trước đó, nhìn nhận một cách khách quan, việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh trong hai phiên đầu tuần còn xuất phát từ nguyên nhân quá tải hệ thống trên HoSE.

Theo đó, hiện tượng nhận lệnh và trả lệnh tại các công ty chứng khoán bị chậm, khiến các mức giá hiển thị trên bảng điện tử không cập nhật đã làm tăng thêm tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường.

Cùng với đó, một số ý kiến còn cho rằng, việc các công ty chứng khoán áp dụng việc không cho hủy/sửa lệnh trong vài phiên gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư phải sử dụng lệnh thị trường (MP) khiến mức giá của nhiều cổ phiếu gia tăng mức giảm.

Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo HoSE, về mặt bản chất, hệ thống chung của HoSE đã phát đi tín hiệu cảnh báo, do đó, việc các công ty áp dụng hạn chế hủy/sửa lệnh là nhằm hạn chế lỗi 2G (một dạng lỗi kỹ thuật) chạm ngưỡng, gây rủi ro “sập” hệ thống.

“Đây là giải pháp tình thế, tuy tạo sự bất tiện cho nhà đầu tư, nhưng vì mục tiêu chung là an toàn cho toàn hệ thống nên vẫn phải áp dụng” – đại diện HoSE chia sẻ.

Ngoài ra, trong hai phiên ngày 7-6 và 8-6, nhà đầu tư rất khó khăn trong việc theo dõi bảng điện tử và giao dịch khi lệnh trả ra rất chậm, cũng như giá hiện thị không cập nhật.

Lý giải về điều này, lãnh đạo HoSE cho hay: “Hệ thống quá tải nên tính năng thiết kế là ưu tiên trả thông tin giá khớp trước, các thông tin tính toán toàn thị trường trả sau khi hệ thống có thể đáp ứng”. Đây cũng là lý do tại sao lệnh MP được nhiều nhà đầu tư sử dụng hơn trong hai phiên vừa qua, cho dù mức giá mua/bán có thể không được như mong muốn.

Trước thông tin cho rằng, tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng “tự doanh thì sửa/hủy lệnh được, còn nhà đầu tư thì không”, lãnh đạo HoSE cho rằng, cơ quan quản lý và HoSE đã quán triệt và không cho phép các công ty chứng khoán thành viên làm điều này. Hiện HoSE cũng giám sát rất chặt chẽ. Trước đó, các công ty chứng khoán cũng đều có cam kết tuân thủ bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư nếu áp dụng ngừng hủy/sửa lệnh.

Không có “ưu ái”

Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, tình trạng chậm về thời gian nhận và trả lệnh có sự phân biệt giữa các công ty chứng khoán. Tìm hiểu qua lãnh đạo một số công ty chứng khoán, công ty chứng khoán cũng nhận được sự phản ứng của khách hàng khi cho rằng, một phần nguyên nhân khiến thời gian nhận và trả lệnh là do từ phía công ty, hoặc do công ty hạn chế hủy/sửa lệnh nên gây ra lỗi.

Trên thực tế, theo lý giải của HoSE, trong những phiên gần đây, vì quá tải nên hệ thống xử lý chậm là tình trạng chung đối với tất cả các công ty chứng khoán thành viên về thời gian nhận và trả lệnh.

“Hoàn toàn do hệ thống tự động xử lý, nên không có chuyện “ưu ái” cho công ty chứng khoán nào. Lượng lệnh tăng quá nhanh khiến hệ thống quá tải khiến cho thời gian nhận và trả lệnh chậm chung cho cả thị trường” – đại diện HOSE nói.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cũng thông tin: “Chúng tôi rất chia sẻ với các nhà đầu tư nói chung và khách hàng của VNDIRECT nói riêng. Hệ thống quá tải là thực tiễn mà cơ quan quản lý và HoSE đang nỗ lực để có giải pháp khắc phục triệt để. Ngay cả việc phải áp dụng giải pháp ngừng hủy/sửa lệnh cũng là điều VNDIRECT và có lẽ là nhiều công ty khác đều không ai mong muốn, nhưng vẫn phải làm vì an toàn chung của hệ thống”.

“Đây là giải pháp tình thế tạm thời, vì mục tiêu chung là để hệ thống hiện tại được an toàn trong thời gian chờ hệ thống mới HoSE và FPT đang gấp rút hoàn thành. Thông tin chúng tôi có được, hệ thống mới này tiến độ cũng đang rất khả quan, kỳ vọng sẽ sớm xử lý triệt để hiện tượng nghẽn lệnh hiện nay”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.

Đại diện HoSE cũng cho biết thêm: “Hệ thống quá tải là điều không mong muốn, ưu tiên cao nhất hiện nay là cố gắng cao nhất để hệ thống hiện tại được an toàn. Hiện tượng nghẽn lệnh sẽ chưa xử lý được dứt điểm cho tới cuối tháng này. Hiện HoSE đang phối hợp cùng FPT hoàn thành hệ thống đúng hạn cuối tháng 6 này để giải quyết triệt để tình trạng quá tải”.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cũng khẳng định, việc nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo quyết liệt. HoSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX. Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.