Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO -

Vấn đề tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới là vấn đề không mới. Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền đã có nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thông tin và gợi mở ra nhiều phương hướng trong giai đoạn mới.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” diễn ra sáng nay (10/12) tại Hà Nội, mở ra nhiều ý kiến đóng góp tiếp cận mới của các cơ quan, ban quản lý dự án, viện nghiên cứu và cơ quan báo chí, hứa hẹn những phương hướng hiệu quả hơn trong hoạt động thông tin đặc biệt này.

PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, cho biết đối tượng thụ hưởng của công tác tuyên truyền, thông tin là các nhóm cộng đồng người dân tộc thiểu số, vốn có những đặc thù văn hóa, dân trí, ngôn ngữ, tập quán khác nhau. Vì lẽ đó, kết quả của nội dung tuyên truyền về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế và khó khăn.

Công tác truyên truyền của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc bao trùm trên nhiều lĩnh vực, phải kể tới xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với dân tộc thiểu số và miền núi -0
 PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. (Ảnh: Minh Duy)

Một trong những giải pháp khắc phục khó khăn cần một mạng lưới những cộng tác viên hoạt động tích cực và hiệu quả như các cơ quan chính quyền và báo chí địa phương, già làng, trưởng bản, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,...

Cần phải đào tạo một thế hệ công dân người dân tộc có trình độ cao về tri thức và thể chất tốt để bảo đảm hiệu quả của công tác tuyên truyền sâu và rộng tới từng hộ gia đình trong địa phương. Bên cạnh sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương với nội dung thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, các hình thức, phương pháp tuyên truyền cũng cần phải chú ý tới tính phong phú, đa dạng và có hiệu quả.

Ngoài việc “kênh truyền thông ấn phẩm” phải bảo đảm tính phổ quát, đầy đủ thông tin, dễ tiếp cận, dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo, cần tận dụng hơn nữa tính ưu việt của các loại hình truyền thông khác hiện nay như báo nói, báo hình, báo mạng,...

Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với dân tộc thiểu số và miền núi -0
 Thiếu nữ dân tộc Dao trong trang phục truyền thống của dân tộc. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Nhấn mạnh rằng hoạt động tuyên truyền cần phải diễn ra thường xuyên, liên tục nhằn hình thành, củng cố, nâng cao nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, TS Võ Thị Mai Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết cần đa dạng các phương thức tuyên truyền. Báo in phát huy tốt ưu điểm ở tính dễ dàng lưu trữ, chuyền tay người đọc. Phát thanh được nhiều người dân đón nhận bởi tính miễn phí, rộng khắp, lan tỏa thông tin nhanh chóng và đặc biệt là đại đa số công dân đều có đủ khả năng tài chính để trang bị radio. Tuy nhiên, nhiều thứ tiếng dân tộc như Tày, Mường, Nùng,... chưa được phát trên hệ thống phát thanh dân tộc.

Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với dân tộc thiểu số và miền núi -0
 TS Võ Thị Mai Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy)

Bảng tin cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, khi đi sâu vào trong từng nhóm cộng đồng dân tộc nhỏ lẻ. Cùng với đó, truyền hình có thế mạnh ở tính hấp dẫn cao, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, độ tin cậy cao; tuy nhiên chi phí để sản xuất chương trình thường tốn kém và đòi hỏi nhiều nhân lực.

Báo điện tử là hình thức ra đời muộn hơn, hội tụ nhiều điểm ưu việt, nhưng chưa tiếp cận được nhiều tới đại đa số đồng bào thiểu số, bởi tính phụ thuộc vào đường truyền mạng của nhà cung cấp và mới chỉ được tiếp cận bởi tầng lớp người dân tộc trẻ.

Hình thức truyền thông trực tiếp chưa phát huy được hết tiềm năng, do còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhiều nơi còn thiếu nhà văn hóa, sân chơi thể thao, trang thiết bị cần thiết để phát triển các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, nhiều cuộc họp của thôn bản mới chỉ được tiến hành tại nhà riêng của người có uy tín trong địa bàn, không thể tập trung đông người, cũng chẳng thể được tiến hành định kỳ, thường xuyên.

Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với dân tộc thiểu số và miền núi -0
 Lớp bồi dưỡng về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ phụ nữ thôn, bản người dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Hội thảo “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” là dịp để nhiều cơ quan báo chí và viện nghiên cứu đóng góp ý kiến nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động tuyên truyền.

Với đặc thù là một tờ báo chính trị, xuất bản hằng ngày, bảo đảm tính thời sự cao, Báo Nhân Dân thường xuyên cập nhật những tin, bài, ảnh về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các vùng dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng dân tộc và sinh sống vùng núi luôn được đăng tải trên trang nhất, trang tám và nhiều trang trong. 

Báo Nhân Dân hằng ngày còn xuất bản nhiều bài viết phản bác những luận điệu sai trái và làm rõ thủ đoạn thâm độc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ và hận thù dân tộc. Các bài viết góp phần tăng cường nhận thức của người dân miền núi và cộng đồng dân tộc thiểu số không nghe theo kẻ xấu, cảnh giác những âm mưu “diễn biến hòa bình” các thế lực phản động, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc,...

Trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền chính sách dân tộc và phản ánh sâu sát những khó khăn, thuận lợi của bà con, cũng như những bất cập còn tồn tại trong thực tiễn đời sống của đồng bào.

Trong những năm tiếp theo, Báo Nhân Dân sẽ duy trì các bài viết nhằm lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc, đặc biệt và phát huy vai trò của người có uy tín trong thôn bản - nhân tố quan trọng góp phần giữ ổn định chính trị cùng dân tộc thiểu số.

Để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với dân tộc thiểu số và miền núi -0
 Cán bộ khuyến nông tỉnh Điện Biên hướng dẫn nông dân cách phát hiện sâu bệnh. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tại hội thảo, các cơ quan báo chí đều thống nhất một quan điểm: công tác tuyên truyền có ý nghĩa lớn lao trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, mối quan hệ gắn kết vùng miền. 

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay vẫn là vùng khó khăn của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí là “vùng lõm” về thông tin. Mỗi phóng viên, biên tập viên nói riêng và cơ quan báo chí nói chung đều tự ý thức được trách nhiệm trước mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững cho công dân sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, cũng như sự ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi.