Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm 3,3% năm 2020 (theo IMF, tháng 4-2021).
Chính vì vậy, riêng năm 2020, trong các báo cáo xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn cầu. Đến ngày 21-5, đã có 16 nước bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, theo báo cáo đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s, S&P và Fitch.
Bốn lý do của việc nâng triển vọng
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đánh giá tích cực.
Cụ thể, ngày 18-3-2021, Moody’s công bố xếp hạng tín nhiệm chung của Việt Nam ở mức Ba3 và nâng 2 bậc triển vọng của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “tích cực”.
Trong báo cáo đánh giá của Fitch ngày 1-4-2021, mặc dù tiếp tục giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam ở mức BB nhưng tổ chức này đã nâng cấp triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” sang “tích cực”.
Gần đây nhất, ngày 21-5-2021, S&P cũng đã thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, đồng thời nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.
Như vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody’s, S&P và Fitch nâng triển vọng từ “tiêu cực/ổn định” lên “tích cực”.
Những lý do chính khiến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm điều chỉnh nâng triển vọng của Việt Nam gồm:
Việt Nam đã thành công trong việc phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế dương năm 2020. Trong năm 2020, mặc dù kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh (cả trực tiếp và gián tiếp) bởi dịch Covid-19, song nhờ các nỗ lực và các biện pháp hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh (năm 2020, Việt Nam chỉ có gần 1.500 ca nhiễm, 35 ca tử vong), cùng các gói giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực (2,91%).
Năm 2021, dù phải trải qua đợt dịch thứ ba (tháng 1 và 2 năm 2021) nhưng tăng trưởng GDP quý 1-2021 của Việt Nam vẫn đạt 4,48%. Với làn sóng dịch thứ tư, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” đã tạo môi trường kinh tế - xã hội ổn định, đem lại hy vọng lớn về khả năng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, WB dự báo kinh tế Việt Nam năm nay vẫn có thể tăng trưởng 6,5-6,8% và lạm phát dưới 4%.
Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế như tích lũy - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực… tiếp tục được giữ vững trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 100 tỷ USD (tương đương 4 tháng nhập khẩu); cán cân thương mại thặng dư 19,1 tỷ USD năm 2020 và có thể đạt 6-7 tỷ USD năm 2021,…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng tăng năng suất, ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo cao, từ đó tạo ra triển vọng phát triển bền vững hơn cho nền kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam đã và đang tích cực cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, có sức khoẻ tốt hơn, đảm bảo an toàn về vốn, củng cố quản lý rủi ro theo chuẩn mực Basel 2 và hệ số tín nhiệm được cải thiện.
Việc cải thiện nền tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, ổn định nợ trong trung hạn, giảm nợ công, thâm hụt ngân sách cũng là những yếu tố tích cực, được các tổ chức xếp hạng ghi nhận.
Yếu tố quan trọng khác là Việt Nam đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh trong thời gian qua. Thủ tục hành chính được đơn giản hoá, một số giấy phép con được cắt bỏ; thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các FTA thế hệ mới, là một trong những điểm đến đầu tư được lựa chọn trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu…v.v.
Trên cơ sở các yếu tố nêu trên, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều đánh giá Việt Nam sẽ có thể tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp quyết liệt của Chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm khuyến nghị để trụ hạng hoặc được nâng hạng
Mặc dù đã được đánh giá tích cực trong các báo cáo vừa qua, song trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ khó lường; để có thể trụ hạng và được nâng hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Việt Nam nên xem xét thực hiện năm giải pháp sau đây:
Thứ nhất, kiên định thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế”, trong đó công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai tiêm vaccine là nhiệm vụ hàng đầu.
Bài học kinh nghiệm từ Ấn Độ và kinh nghiệm thành công của Việt Nam và một số quốc gia trong thời gian qua là: Không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh; không đánh đổi sức khỏe của nhân dân với tăng trưởng kinh tế; mục tiêu kép là nhất quán, xuyên suốt.
Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan bộ, ngành, tổ chức xã hội, địa phương và sự ủng hộ của toàn thể người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch cũng cần được đồng bộ hóa và phù hợp với các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội khác.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối phù hợp, giữ vững tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao, tăng thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số phát triển con người.
Đồng thời, cải thiện hơn nữa tài chính công, thông qua củng cố tài khóa bền vững và ổn định nợ Chính phủ trong trung hạn, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngân sách, giảm mạnh thâm hụt ngân sách, nhất là chi thường xuyên, mở rộng cơ sở thuế; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả) nhằm đạt hiệu quả trong kiểm soát lạm phát, kiểm soát mặt bằng lãi suất, phát triển thị trường vốn…
Thứ ba, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư sang Đông Nam Á mà Việt Nam là một ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ rà soát, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết và không còn phù hợp...
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là ba trụ cột đã xác định gồm: doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và các tổ chức tín dụng yếu kém). Trong đó, cần tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng về các dự án thua lỗ, về tăng năng lực tài chính (vốn) cho các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu quả, tính minh bạch, chuyên nghiệp của doanh nghiệp nhà nước.
Cuối cùng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19, khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, các nhà tài trợ song phương nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức, nhà sản xuất quốc tế để sớm nhận được chuyển giao công nghệ điều chế, sản xuất vaccine Covid-19 hiệu quả cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động nguồn cung, vừa giúp kiểm soát dịch bệnh, vừa kích cầu tiêu dùng, đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh.
Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng về triển vọng của Việt Nam là một tin tốt và mang lại nhiều lợi ích cơ bản cho Việt Nam. Đó là: Những đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Kết quả là sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn vốn vay với chi phí, mức lãi suất thấp hơn do có mức độ rủi ro thấp hơn, triển vọng tốt lên.
Giúp Việt Nam nâng cao vị thế và hình ảnh đối với các nhà đầu tư quốc tế, góp phần tăng khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp (FII), nhất là trong bối cảnh có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, và Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn.
Nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại, cũng như trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.