Văn minh Đô thị

Để cầu vượt cho người đi bộ phát huy hiệu quả

Hạ tầng chưa đồng bộ, người đi đường thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến tình trạng mất an toàn khi đi bộ. Đã có không ít tai nạn đáng tiếc xảy ra khi người đi bộ băng qua dòng phương tiện đông đúc để sang đường. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ là cần thiết trong thời điểm hiện nay, song bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm.

Cầu vượt giúp các em học sinh qua đường an toàn, thuận tiện. Ảnh: DUY LINH
Cầu vượt giúp các em học sinh qua đường an toàn, thuận tiện. Ảnh: DUY LINH

Cầu vượt dành cho người đi bộ bắc ngang đường đê 401 và phố Trần Nhật Duật, sang khu vực trước cửa Trường tiểu học Trần Nhật Duật, đang được các đơn vị gấp rút hoàn thành sau ba tháng thi công khẩn trương. Trong khi những người thợ còn đang quét sơn, dọn dẹp và hoàn tất các công việc cuối cùng, đã có nhiều người dân tranh thủ đi qua cầu để sang phía bên kia đường. Rõ ràng họ rất mong đợi cây cầu đi vào hoạt động, bởi đi bộ qua đoạn đường này lâu nay là nỗi sợ hãi, e ngại của mọi người. Dọc tuyến đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, đường đê 401 (quận Hoàn Kiếm) có lưu lượng lớn ô-tô, xe máy qua lại với tốc độ cao. Giao thông ở đây khá phức tạp bởi sự xung đột giữa các dòng phương tiện lên xuống cầu Long Biên, cầu Chương Dương; rồi xe cộ nườm nượp ra vào chợ đầu mối hoa quả, chợ Đồng Xuân... Người đi bộ phải cắt ngang qua các dòng phương tiện như vậy để sang đường, cho nên họ thường đối mặt với tai nạn giao thông rình rập.

Những người dân sống ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Hằng ngày có hàng nghìn lượt người phải qua đường ở khu vực này để vào trung tâm thành phố làm việc, học tập. Họ thường xuyên phải đối mặt với tình hình giao thông căng thẳng do phải đi qua tuyến đường có mật độ phương tiện cao, dẫn đến mất trật tự, ùn tắc giao thông, va chạm giữa các phương tiện. Người lớn đi lại còn khó khăn, thì với các cháu học sinh thật sự nguy hiểm. Nhiều gia đình, nhà rất gần trường học (các trường: Tiểu học Chương Dương, Tiểu học Trần Nhật Duật, THCS Chương Dương...), các cháu chỉ cần đi qua đường là tới trường mà không dám để các cháu tự đi học vì lo sợ không an toàn. Mỗi ngày vài ba lần, phụ huynh vẫn phải thay nhau đưa đón con. Gia đình nào không có điều kiện đưa đón, để các cháu tự đi học thì luôn thấp thỏm, lo âu.

Bên cạnh đó, nhu cầu sang đường của người dân ở khu vực trong đê cũng rất cao và ngày càng tăng, vì dọc đường Hồng Hà có nhiều khu dân cư, khu tập thể, chợ dân sinh (chợ Hàng Bè cũng đã di dời sang phố Vọng Hà). Do vậy, cầu vượt dành cho người đi bộ tại khu vực này đã trở thành nhu cầu cấp thiết của người dân nhiều năm qua. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp tổ dân phố, người dân các phường Phúc Tân, Chương Dương đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền thành phố xây dựng cầu vượt qua những tuyến đường này. Đáp ứng nguyện vọng của người dân, thành phố đã chỉ đạo xây dựng cầu vượt nêu trên và tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng tại một số điểm khác. Khu vực phố Chương Dương Độ cũng đang được nghiên cứu cho xây dựng cầu vượt kết cấu thép dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Không chỉ tuyến đường này, nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, dân cư khu vực và chính quyền địa phương cũng có nhu cầu xây dựng cầu bộ hành nhằm bảo đảm trật tự và an toàn giao thông. Cụ thể như nhiều người dân ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa) kiến nghị và đã được thành phố cho phép xây dựng cầu bộ hành tại khu vực trước cửa Trường tiểu học Phương Liên. Đây cũng là tuyến đường có mật độ phương tiện cao, lòng đường rộng, cho nên các phương tiện đi lại với tốc độ cao, không an toàn đối với người đi bộ qua đường. Như vậy, có thể thấy việc xây dựng cầu cho người đi bộ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống.

Những năm trước đây, khi thành phố tiến hành đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt dành cho người đi bộ, đã có nhiều ý kiến cho rằng chúng không hiệu quả và làm mất mỹ quan đô thị. Trên thực tế, đã có những nơi, khi cầu xây xong nhưng không được nhiều người sử dụng. Đơn cử như cầu vượt tại đường Nguyễn Chí Thanh (trước cửa Trường đại học Luật), Cầu Giấy (trước điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy), Đại Cồ Việt, Giảng Võ... có rất ít người sử dụng, hiệu quả không đáng kể so với chi phí đầu tư. Mặc dù những tuyến đường nêu trên có mật độ phương tiện lớn, song lượng người đi bộ và có nhu cầu sang đường không cao. Như vậy ở đây cần đặt ra vấn đề về khảo sát nhu cầu trước khi lập dự án. Không nhất thiết tuyến đường nào cũng phải có cầu bộ hành; cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế để đầu tư sao cho hiệu quả.

Cầu bộ hành được thiết kế để có thể tháo lắp dễ dàng, vì vậy ngay cả khi đã đưa vào hoạt động, việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả cần được các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì để bảo đảm đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Nếu chưa hiệu quả, chưa phù hợp với nhu cầu thì cần sớm điều chỉnh, di dời đến những địa điểm khác, tránh để tình trạng cầu xây xong rồi bỏ không gây lãng phí. Về mặt mỹ quan đô thị, cầu bộ hành có những ảnh hưởng nhất định, song đó không phải là những ảnh hưởng lâu dài bởi nó mang tính chất đáp ứng nhu cầu trước mắt về an toàn giao thông. Nó sẽ được tháo bỏ khi nhu cầu không còn. Để bảo đảm mỹ quan đô thị, việc cần thiết nhất là phải tiến hành duy tu, bảo dưỡng và vệ sinh thường xuyên để giữ gìn vẻ sạch sẽ, thông thoáng; tăng cường quản lý đô thị, không để người bán hàng rong hoạt động, người qua cầu xả rác bừa bãi gây hình ảnh nhếch nhác cho những cây cầu.