Đến dự có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng KSND tối cao và đại diện các bộ, ban, ngành ở T.Ư; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện KSND tối cao qua các thời kỳ; Viện trưởng Viện KSND cấp cao, cấp tỉnh; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp tại 817 điểm cầu trong hệ thống.
Thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành Kiểm sát kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án, tăng 64% so với nhiệm kỳ trước. Viện Kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án, tăng 7,2%; trực tiếp hủy 702 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án (tăng 13,4%); qua đó góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Trong đó, ngành Kiểm sát tập trung thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Viện Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đúng tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc; tăng cường công tác phối hợp nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Theo báo cáo, một trong những kết quả quan trọng là ngành đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn. Trong nhiệm kỳ, toàn Ngành quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngành đã kiểm sát trong giai đoạn truy tố 1.392 vụ/3.363 bị can, đã giải quyết 1.306 vụ/3.093 bị can, đạt tỷ lệ 93,8%; kiểm sát xét xử 1.145 vụ/2.600 bị cáo; trong đó, án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo 77 vụ/735 bị can, đã giải quyết 73 vụ/704 bị can; tỷ lệ truy tố đạt 94,8%.
Đặc biệt, Viện KSND tối cao đã nỗ lực, khẩn trương xem xét truy tố nhiều vụ án chỉ trong thời gian từ năm đến bảy ngày sau khi kết thúc điều tra, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh chống tham nhũng.
Trong đó, có nhiều vụ liên quan cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với mức án đã xét xử rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nổi bật trong giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế vừa qua là đã chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động phối hợp với chặt chẽ Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp thu, giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng bỏ trốn, chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản; trực tiếp ban hành lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố hoặc kiến nghị Hội đồng xét xử thu hồi tài sản cho Nhà nước; nhiều vụ án thể hiện rõ vai trò, sự quyết liệt của Viện KSND trong công tác thu hồi tài sản.
Kết quả, đã thu hồi gần 80.000 tỷ đồng; kê biên hơn một triệu m2 đất, 77 bất động sản và gần 800.000 m3 gỗ...
Nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá cao thời gian qua, ngành Kiểm sát bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị; tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các văn bản, phục vụ hiệu quả việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP), Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đồng chí cho rằng, năm 2020 và trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện KSND đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, tập trung giải quyết các vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Thông qua hoạt động kiểm sát, ngành tích cực tham mưu cho Đảng, Quốc hội nhiều giải pháp hay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, qua đó đánh giá thực chất kết quả hoạt động tư pháp của các cơ quan tố tụng và trong đó có ngành Kiểm sát…
Bên cạnh nhấn mạnh ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, CCTP, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ: Nhiệm kỳ 2021- 2026 là giai đoạn bắt đầu xây dựng và thực hiện Chiến lược CCTP mới theo Nghị quyết của Đảng. Ngành Kiểm sát cần phải chuẩn bị tốt, cùng các ngành nghiên cứu tham mưu với T.Ư về Chiến lược CCTP, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới.
Ngành Kiểm sát cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ. Ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự; bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát phải tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cùng với đó, ngành Kiểm sát tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động kiểm sát, tăng cường các nguồn lực, bảo đảm cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thật sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan kiểm sát. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong ngành Kiểm sát...
Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực phấn đấu của toàn ngành sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi.
Nhân dịp này, đồng chí Trần Quốc Vượng trao: Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Viện KSND tối cao; Huân chương Lao động hạng Nhất tặng đồng chí Viện trưởng KSND tối cao Lê Minh Trí; Huân chương Lao động tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng chí Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc.
Toàn ngành Kiểm sát đã triển khai “Số hóa hồ sơ”; phối hợp với Tòa án tổ chức 25.697 phiên tòa rút kinh nghiệm; đồng thời, quán triệt thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện vi phạm và ban hành 5.961 kháng nghị phúc thẩm, tăng 46,8%; tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt 78,9%, tăng 8,5% và vượt 8,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội; ban hành 665 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 41,2%; tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt 84,8%, tăng và vượt chỉ tiêu của Quốc hội... (Theo số liệu báo cáo tổng kết của Viện KSND tối cao) |