Các môn khoa học này cùng các khoa học chuyên ngành, các hoạt động chính trị xã hội khác góp phần bồi dưỡng nhân sinh quan, đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cho sinh viên. Thế nhưng, việc dạy và học các môn nói trên đã gặp không ít khó khăn.
Ðáp ứng yêu cầu của giáo dục toàn diện
Trong những năm gần đây, việc giảng dạy các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực.
Trước hết, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành được một hệ thống chương trình dùng cho các trường ÐH, CÐ thống nhất, phù hợp đối tượng, trình độ đào tạo.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng đã đổi mới phương pháp giảng dạy học tập, nhất là tăng đối thoại khắc phục tình trạng thầy đọc, trò chép. Ðáng chú ý, từ năm 2006-2007, Bộ chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chuyển quá trình dạy ở bậc ÐH thành quá trình tự học của sinh viên, có tổ chức và hỗ trợ tối ưu của giảng viên, ứng dụng mạnh mẽ các phương tiện hỗ trợ và công nghệ thông tin.
Ðội ngũ giảng viên cũng không ngừng được củng cố và nâng cao trình độ. Hiện cả nước có hơn 2.300 cán bộ, giảng viên các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được đào tạo chuẩn hóa. Khoảng 40% số giảng viên có trình độ sau đại học, nhiều trường đạt 50- 60%, cá biệt có trường đạt hơn 100%.
Tuy nhiên, vấn đề khá bức xúc hiện nay, đòi hỏi sớm khắc phục trong việc dạy và học các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là giáo trình quốc gia ban hành không dựa trên một chương trình, đề cương môn học của đối tượng đào tạo cụ thể; không tính đến mối quan hệ giữa các chương trình của các môn học trong chương trình khung đào tạo của một trình độ đào tạo nào cho nên sử dụng khó khăn.
TS Phạm Văn Sinh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nội dung cũng như cấu trúc nội dung của các bộ, giáo trình thuộc các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng bộc lộ tính hạn chế trước những đòi hỏi rất cao và cấp bách của việc cải cách nền giáo dục và đào tạo theo mục tiêu công nghiệp hóa, nhất là xu hướng tách rời nội dung khoa học của ba môn: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Nội dung vừa thừa, vừa thiếu v.v.
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận. Nội dung chương trình trùng lặp ở nhiều môn học, nhất là giữa các môn triết học Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị và giữa môn lịch sử đảng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra nội dung nhiều môn học không phù hợp thực tiễn phát triển của đất nước; nhiều vấn đề, nội dung hàm lượng khoa học chưa được làm rõ. Cơ cấu đội ngũ giảng viên ở nhiều trường ÐH, CÐ chưa hợp lý, nhất là thiếu số lượng lớn giảng viên các môn Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở không ít giảng viên chưa sâu sắc và chưa vững vàng, phương pháp sư phạm thiếu hoàn thiện.
Tích hợp, giảm thời lượng các môn học
Mới đây, tại một cuộc hội thảo bàn về nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều nhà khoa học lên tiếng, cho rằng: Cần thành lập ban chỉ đạo để nghiên cứu xây dựng đề án kết cấu các môn học này phù hợp điều kiện phát triển của đất nước và của giáo dục ÐH trong quá trình hội nhập.
Cần có sự nghiên cứu thời lượng, yêu cầu kiến thức, cấu trúc chương trình nhằm bảo đảm mối quan hệ tương quan, liên thông giữa các loại chương trình: cử nhân ÐH, CÐ, sau ÐH, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, tạo điều kiện cho người dạy, người học từng bước nâng cao trình độ sử dụng kết quả nghiên cứu trong việc chuẩn hóa cán bộ, công chức.
Nhiều người cho rằng, thời lượng dành cho năm môn học khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh như hiện nay là quá lớn, chiếm tới hơn 11% tổng lượng chương trình.
Vì thế, TS Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị: Rút ngắn thời gian dành cho các môn trên xuống còn khoảng 15 - 16 đơn vị học trình, chiếm khoảng 7% thời gian đào tạo ÐH. Việc tích hợp các môn lý luận chính trị cũng khiến nhiều người quan tâm.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Mác - Lê-nin, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tích hợp không phải là việc ghép đơn thuần các môn đó thành những chương trình khác nhau của một môn; tích hợp cần làm cho các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn quyện chặt chẽ, lô-gích.
TS Phạm Văn Sinh, Phó Chủ nhiệm khoa Mác - Lê-nin, Trường đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra đề xuất mười giảm, sáu tăng đối với việc dạy và học các môn lý luận chính trị. Ðó là: giảm lượng câu hỏi tự luận, giảm thời lượng trong cấu trúc chương trình, giảm sự trùng lặp giữa các môn học, giảm sự lặp lại tư duy giữa các cấp học, giảm sự mất cân đối trong tính mục tiêu kép, giảm tính hàn lâm, giảm tính cô lập trường phái, giảm tính phân biệt kiến thức trong mỗi nhóm môn học và giảm lý thuyết. Sáu tăng là tăng tính thực tiễn, tăng sáng tạo, tăng đối thoại, tăng tính thống nhất, tăng thời gian tự học và tăng câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi.
Tại một hội thảo khoa học tổ chức gần đây GS.TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo bày tỏ quan điểm, nhất trí với việc tích hợp một cách đồng bộ, bài bản các môn lý luận chính trị.
Vì vậy, theo Thứ trưởng, sẽ viết lại toàn bộ sách giáo khoa các môn này, trong đó yêu cầu bảo đảm tính hiện đại, tính quốc tế nhưng đồng thời giữ được tính dân tộc và bổ sung trách nhiệm của lớp trẻ trong thời đại mới. Nghiên cứu và quy định sự tương thích liên thông chương trình các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữa các hệ thống trường chính trị, Ðảng, đoàn thể, ÐH và CÐ, sau ÐH theo hướng hiện đại hóa chương trình, giáo trình.
Mặt khác, để khắc phục tình trạng giảng viên dạy các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn yếu và thiếu, cần tổ chức đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Theo đó, người dạy chéo môn cần được đào tạo, bồi dưỡng môn học hiện đang đảm nhiệm. Ða dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để sớm có đủ giảng viên theo yêu cầu.
Ngành giáo dục và đào tạo cần quy định cụ thể cho từng loại trường về số lượng biên chế, tạo cơ chế chính sách và tổ chức đào tạo để các trường cử, tuyển chọn gửi đi đào tạo nhằm có đủ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.