Hội thảo nhằm hướng dẫn chín tỉnh phía bắc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, đồng thời cùng thảo luận nhằm thúc đẩy việc xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết và triển khai chương trình tại các địa phương.
BS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, có nhiều địa phương chưa có kế hoạch thực hiện chương trình, do đó, các tỉnh cần phải triển khai nhanh kế hoạch để có những chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho bà mẹ, trẻ em, đẩy nhanh tốc độ giảm suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ.
Hiện nay, việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai cao. Phụ nữ mang thai thiếu dinh dưỡng vẫn có tại nhiều địa phương, nhưng ở các thành phố lớn thì hiện đang có tình trạng thai phụ tăng cân quá mức. Vẫn có sự chênh lệch về chất lượng bữa ăn của trẻ từ 6-24 tháng tuổi giữa vùng địa lý, điều kiện kinh tế, nghề nghiệp của người mẹ và nhóm dân tộc.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị/địa phương đã cùng thảo luận xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức triển khai thực hiện chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trong đó xác định và phân tích các vấn đề ưu tiên của địa phương, xây dựng mục tiêu, lựa chọn các giải pháp, lập kế hoạch hoạt động và các chỉ số đánh giá chương trình.
Sau hội thảo, các địa phương sẽ chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm suy dinh dưỡng thấp còi của toàn quốc nói chung cũng như của vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng góp phần nâng cao tầm vóc thể lực của người Việt Nam, thực hiện thành công mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của Hội nghị lần thứ sáu ban chấp hành Trung ương khóa XII và Mục tiêu Phát triển bề vững (SDGs) vào năm 2030.
Ngày 5-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.
Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%; 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Đến năm 2030, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 23,5%; 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 30% bà mẹ cho trẻ mẹ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 80% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.