Địa điểm được huyện Kỳ Sơn chọn để xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân vùng bị lũ quét ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén nằm ở bản Cầu Tám (diện tích khoảng 8,6 ha) và tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (diện tích 3,9 ha).
Cụ thể, khu tái định cư ở bản Hòa Sơn có quy mô xây dựng nơi ở cho 54 hộ dân, mỗi lô đất có diện tích từ 210 đến 230m2. Tổng mức đầu tư dự án này 31,5 tỷ đồng; trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,5 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ giữa tháng 11/2023. Còn khu tái định cư ở bản Cầu Tám được xây dựng với tổng nguồn vốn 65 tỷ đồng, gồm 35 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh, 20 tỷ đồng thuộc nguồn vốn của Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và cứu trợ tỉnh Nghệ An, 10 tỷ đồng xã hội hóa từ doanh nghiệp, khi hoàn thành sẽ tái định cư cho hơn 150 hộ dân.
Đến nay, hạ tầng khu tái định cư ở bản Hòa Sơn, như: nền, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sinh hoạt, mương thoát nước, các hạng mục gia cố… đều đã được hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cho biết: “Khu tái định cư đã được bàn giao cho huyện và huyện đang yêu cầu các xã rà soát, lập danh sách các hộ dân di dời đến khu tái định cư.
Sau khi danh sách được phê duyệt, các hộ dân sẽ bốc thăm theo đúng quy định và thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống”. Liên quan đến điện sinh hoạt của khu tái định cư này, ông Long cho hay, huyện Kỳ Sơn đã có văn bản đề nghị ngành điện lực sớm triển khai lắp đặt.
Anh Lô Văn Thoong (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) nhớ lại: “Chỉ vài chục phút, dòng nước lớn kéo theo đất đá cuồn cuộn chảy xuống cuốn theo mọi thứ. Rất may lũ quét xảy ra vào ban ngày cho nên người dân chạy kịp. Đây là trận lũ kinh hoàng nhất mà tôi từng chứng kiến, nó trở thành nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời. Giờ bà con đều mong sớm được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn”. Anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ cho hay: “Trải qua trận lũ, bà con ai cũng mong ngóng sớm được chuyển đến khu tái định cư, chứ còn ở đây ngày nào là phấp phỏng, lo âu ngày đó…”.
Đối với khu tái định cư ở bản Cầu Tám, trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng vướng diện tích rừng tự nhiên, do đó, đến nay vẫn đang ở giai đoạn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết về chủ trương chuyển đổi hơn 38 ha rừng tự nhiên, gồm hơn 26 ha rừng phòng hộ; hơn 11 ha rừng sản xuất và gần 1,1 ha ngoài 3 loại rừng để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hơn 4 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (giai đoạn 1).
“Kỳ Sơn có 21 xã, thị trấn thì tất cả đều nằm trong diện có nguy cơ xảy ra sạt lở. Là huyện có diện tích lớn thứ hai ở Nghệ An, nhưng địa hình Kỳ Sơn chủ yếu là đồi núi hiểm trở, với hơn 98% diện tích đất dốc. Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, là một trong số 74 huyện nghèo nhất của cả nước cho nên việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di dời người dân đến nơi ở mới an toàn rất khó khăn.
Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về việc chuyển đổi diện tích sử dụng rừng nêu trên, ngày 25/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản về việc triển khai thực hiện nghị quyết. Việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại khu vực bản Cầu Tám để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ quét là rất kịp thời, góp phần gỡ “nút thắt” để thực hiện dự án, sớm ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn chia sẻ.