Đây là một thách thức rất lớn khi cả nước bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp cần triển khai biện pháp ứng phó phù hợp.
Trong công tác phòng, chống dịch nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng thì tiêm vaccine dự phòng là một biện pháp rất quan trọng. Nó giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân, giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi nhiễm Covid-19; giúp bảo vệ những người chung quanh, nhất là người lớn tuổi và người có các bệnh mạn tính. Khi càng nhiều người tiêm vaccine, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thì cuộc sống bình thường sớm trở lại.
Cũng như nhiều quốc gia, ngay từ sớm Chính phủ Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine với mục tiêu sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trên quy mô cả nước… Nếu như nửa đầu năm nay, do nguồn cung không nhiều nên tỷ lệ tiêm chủng ở nước ta còn thấp, thì những tháng gần đây, nhờ tiếp cận nhiều nguồn, nhất là đẩy mạnh ngoại giao vaccine nên lượng vaccine được nhập về nhiều và tỷ lệ người dân được tiêm cũng tăng cao.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị gần 130 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Số liệu công bố chiều 18/11 cho thấy cả nước đã tiêm được hơn 103,6 triệu liều, trong đó mũi 1 khoảng 66,8 triệu liều và mũi 2 khoảng 36,8 triệu liều. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt khoảng 88,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 51%. Có 18 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ ít nhất một mũi vaccine cho hơn 95% số dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra cũng đã có hàng chục địa phương đang triển khai tiêm vaccine cho nhóm 12 đến 17 tuổi…
Tại cuộc họp chiều 17/11, Bộ Y tế đã chỉ ra một số bất cập mà các địa phương đang gặp khi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Đó là việc vẫn còn một số địa phương tiêm chậm (gần mười địa phương tỷ lệ bao phủ mũi 1 dưới 70% số người trong độ tuổi dưới 18), để tồn vaccine đã được phân bổ tại kho bảo quản; một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc. Có những địa phương chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người trên 18 tuổi nhưng đã tiêm cho trẻ em.
Chính vì vậy, các địa phương cần xác định tổ chức tiêm vaccine cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tập trung đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho những đối tượng tiêm chủng.
Bộ Y tế nêu rõ, so số lượng vaccine đã phân bổ và số lượng đã tiêm thì đến nay vẫn còn khoảng 15 triệu liều chưa được sử dụng. Trong khi đó từ nay đến tháng 12/2021, lượng vaccine sẽ về nhiều, nên việc tiêm vaccine cần tăng nhanh tốc độ để đúng tiến độ, mục tiêu đề ra. vaccine về tới đâu được Bộ Y tế phân bổ ngay về các địa phương tới đó, do vậy các tỉnh, thành phố cần thực hiện “vaccine về đến đâu phải tiêm ngay đến đó”; địa phương nào nói thiếu vaccine cần có thông tin đầy đủ…
Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Mặt khác, chủ động rà soát số lượng vaccine đã được cấp, sử dụng còn tồn kho… và đề xuất nhu cầu từ nay đến cuối năm cũng như năm 2022 cho những người từ 18 tuổi trở lên và nhóm 12 đến 17 tuổi. Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu và Bộ Y tế sẽ không cấp vaccine cho địa phương đó.